Yayoi Kusama, tự xóa bỏ và tự tìm lại chính mình

Yayoi Kusama tự xóa bỏ chính mình trong video Self Obliteration (1967).

Yayoi Kusama là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thời đại chúng ta. Tuy vậy, để đạt đến danh vọng tầm cỡ siêu sao như hiện nay, bà đã đi qua một hành trình dài nhiều sóng gió và cay đắng. Cuộc đời của Kusama trở nên đẹp đẽ vì những vết thương bà mang. Nếu sự điên loạn cũng là một vẻ đẹp, thì cuộc đời Kusama cũng là một tác phẩm mà bà đã lần lượt phóng chiếu lên những sáng tác của mình để ta cũng được thử đặt chân vào đấy.

Những trái bí của Yayoi Kusama. Nguồn: Dezeen

Những trái bí đến từ tuổi thơ

Kusama sinh năm 1929 và trưởng thành trong một trại cây giống. Từ nhỏ, bà đã say mê vẽ những cây bí trồng quanh nhà. Tuy thể hiện một khát khao nghệ thuật cháy bỏng, nhưng Kusama lại gặp một trở lực vô cùng khắt nghiệt từ người mẹ. Mẹ của Kusama không hề ủng hộ lựa chọn theo đuổi nghệ thuật của con gái. Đối với mẹ bà thì thiên chức của phụ nữ là kết hôn và chăm lo cho đời sống gia đình, chứ không phải theo đuổi sự nghiệp. Có lẽ mối quan hệ gia đình sóng gió đã góp phần hình thành nên tính cách nổi loạn của Kusama sau này, và nghệ thuật của bà sẽ liên tục phản chiếu tính phản kháng đó.

Obliteration Room (Căn phòng xóa bỏ) là một tác phẩm sắp đặt của Yayoi Kusama, trong đó bà tạo ra một căn phòng trắng và phát cho người xem những mảnh sticker màu. Người xem sẽ dán vào bất kỳ đâu họ thích đến khi căn phòng bị chấm bi nuốt chửng.

Chấm bi

Chấm bi chính là motif nổi tiếng nhất của Kusama. Nghĩ tới Kusama, người ta liền nghĩ tới chấm bi. Trong một phỏng vấn, bà cho biết rằng những chấm bi này phản chiếu những ảo giác mà bà trải qua. Năm lên 10, bà bắt đầu nhìn thấy những chấm màu sắc bao trùm mọi thứ, thực vật cử động và bắt chuyện với bà. Những năm đầu khởi nghiệp ở Mỹ, bà thực hiện video thể nghiệm “Obliteration”, trong đó bà chấm bi lên mọi vật và xóa nhòa thế giới. Chấm bi liên tục được lặp lại và là một mô típ xuyên suốt trong sự nghiệp của bà.

Accumulations (1952). Nguồn: MoMA

Ẩn ức tình dục

Grotesque là một mô thức nghệ thuật có lịch sử lâu đời. Thực hành này khám phá cách chúng ta tri nhận về cái xấu và cái đẹp. Trong series mang cảm giác grotesque “Accumulations” (1952), Kusama bao bọc các vật dụng bình thường bằng những dị vật lởm chởm trông như cơ quan sinh dục nam giới (phallus-like). Chúng tạo thành một bề mặt kinh dị gai người, và không khỏi gợi nhắc đến nỗi sợ bệnh lây qua đường tình dục. Sự chiếm dụng nghĩa và tình dục hóa những đồ vật ngẫu nhiên trở nên gây sốc hơn khi người ta nhận ra tác giả của nó là một người phụ nữ.

Tác phẩm "Narcissus Garden" (Khu vườn Thủy Tiên). Nguồn: NYT

Ái kỷ

Thập niên 1950-60 là giai đoạn những làn sóng dân quyền và giải phóng tình dục tiến hành cách phản biện về những thiết chế truyền thống. Bên trong thế giới nghệ thuật, người ta cũng tiến hành đặt những câu hỏi lớn. Kusama đến triển lãm lưỡng niên Venice năm 1966, mang theo 1,500 quả cầu gương bóng loáng. Tác phẩm này được đặt tên là Vườn Thủy Tiên (Narcissus Garden, narcissus đồng thời biểu trưng cho chứng ái kỷ). Bà treo bản “Your Narcissism for sales” và bán mỗi viên cầu giá 2 đô-la cho khách tham quan. Hành động này là một chất vất đối với bản chất con buôn của thị trường nghệ thuật.

Infinity Room (Căn phòng vô tận) của Yayoi Kusama.

Lặp lại đến vô tận

Những bức tranh đầu tiên của Kusama là những mạng lưới đang cài vô tận. Ở tuổi trưởng thành, chứng ảo giác vẫn trở đi trở lại. Khi ngắm nhìn những tranh lưới của mình, bà thấy chúng chảy tràn ra khỏi khung toan, bao phủ và xâm chiếm mọi vật trong phòng. Chính vì vậy, bà quyết định trở thành một nghệ sĩ sắp đặt. Những tác phẩm sắp đặt của bà trở thành hit và thu hút những dòng người rồng rắn đến chiêm ngưỡng. Sắp đặt tạo ra một thế giới ảo giác nơi ánh sáng và không gian kéo dài đến vô tận. Trong một sắp đặt tương tác khác, bà tạo ra một căn phòng hoàn toàn trắng và phát sticker chấm bi cho người tham dự. Họ được tự do dán các sticker này tại các điểm bất kỳ, và biến căn phòng thành một thế giới tràn ngập vết chấm, gợi nhớ tới video tẩy xóa thế giới bằng chấm bi năm xưa.

Mệt nhoài với những cuộc vật lộn, Kusama trở về Nhật Bản. Bà sống trong một nhà thương điên, nhưng ngày ngày vẫn đến studio làm việc với một hiệu suất cực kỳ đáng nể. Cuộc đời của Kusama là một câu chuyện đầy vết thương, nhưng trên tất cả bà đã buộc cơn điên vào vòng kiềm tỏa, biến những căng thẳng và chấn thương thành vẻ đẹp. Giữa một thời đại mà tiếng nói của phụ nữ liên tục bị bóp nghẹt, Kusama trỗi dậy và trở thành hiện tượng. Đằng sau sự hào nhoáng là một nỗ lực phản kháng, đối đầu với gia đình, với xung lực của truyền thống và định kiến.

Đọc thêm về những nghệ sĩ tuyệt vời tại chuyên mục Übermensch

Hiếu Y

Bài viết liên quan

Andy Warhol góp phần định hình một trào lưu nghệ thuật gọi là Pop Art, và ngôn ngữ của nó vẫn tiếp tục ảnh hướng đến đời sống thị giác ngày hôm nay.

The Weather Project | Dự án Thời tiết là một tác phẩm sắp đặt (installation art) do Olafur Eliasson thực hiện. Lấy chủ đề thời tiết làm điểm khởi đầu, sắp đặt của Eliasson khám phá các ý tưởng về kinh nghiệm, tĩnh tại và tái hiện.