Andy Warhol, nỗ lực lưu giữ thời gian và chứng FOMO

Ảnh tự chụp với hộp sọ, 1977, ảnh palaroid được lưu giữ tại The Andy Warhol Museum, Pittsburgh.

Andy Warhol là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Những tác phẩm của ông xuất hiện khắp mọi nơi và trở nên quen thuộc với hầu hết mọi người, được trưng bày trang trọng trong các bảo tàng lẫn in trên những chiếc áo thun trẻ trung. Andy Warhol góp phần định hình một trào lưu nghệ thuật gọi là Pop Art, và ngôn ngữ của nó vẫn tiếp tục ảnh hướng đến đời sống thị giác ngày hôm nay.

Tuổi thơ dưới bóng hào quang

Andy Warhol sinh năm 1928 tại bang Pennsylvania trong một gia đình di dân gốc Áo-Hung. Cậu bé lớn lên trong một căn phòng dán đầy hình ảnh của những siêu sao. Ánh hào quang lấp lánh của người nổi tiếng đã ảnh hưởng sâu sắc lên tâm trí của Andy. Niềm khát khao danh tiếng sau này sẽ được phản ánh lại mạnh mẽ qua những sáng tác sau này.

Sau khi tốt nghiệp ngành mỹ thuật quảng cáo, Andy Warhol sớm thành đạt trong nghề minh họa. Ông bắt đầu công việc thiết kế cho tạp chí thời trang nổi tiếng Glamour. Công việc này đem lại cho ông tiền bạc, danh tiếng và một đời sống phong lưu. Kỹ thuật tiêu biểu nhất trong thời kỳ này là blotted line. Ông sử dụng mực để thấm vào bản vẽ, tạo ra những nét viền loang lổ rồi tô màu bằng màu nước.

Sự hình thành của Pop Art

Đầu thập niên 1960, những nhân vật hàng đầu trong ngành nghệ thuật cố gắng cách tân ngôn ngữ thị giác. Đối với họ, kỹ thuật tạo hình của trào lưu Trừu tượng Biểu hiện (Abstract Expressionism) đã trở nên cũ kỹ và lỗi thời. Các nghệ sĩ Biểu hiện đi tìm chiều sâu tinh thần thông qua màu sắc và những vệt màu mạnh mẽ. Một số họa sĩ khác đã chống lại hướng đi này, cho rằng họ đã quá đà khi đi tìm những điều cao siêu xa xôi. Nhóm chống đối đề xuất rằng cần phải có một loại hình nghệ thuật mới phản ánh thực tế cuộc sống một cách chân thực hơn.

Thập niên 1950-60 là thời kỳ huy hoàng của phong cách Trừu tượng Biểu hiện. Lớp nghệ sĩ trẻ cho rằng phong cách này đã đi quá xa, tiến vào những thứ triết lý người thường không thể hiểu nổi và nghệ thuật trở thành công cụ do tầng lớp tinh hoa độc chiếm. Họ cho rằng cần có một trào lưu mới đưa nghệ thuật trở về với những người bình dân. Tranh của Clifford Still | PH-144 (1947-Y-NO.1). Nguồn ảnh: Sotheby's

Đồng thời, nghệ thuật cũng bị chi phối bởi giới tinh hoa, những người có học thức và tiền bạc. Các nghệ sĩ trẻ cho rằng nghệ thuật cần dân chủ hơn, hướng đến số đông công chúng thay vì một nhóm thượng lưu. Họ muốn tạo ra thứ gì đó ai cũng hiểu được mà không cần một nền tảng kiến thức uyên thâm. Lúc này, một số cái tên tuổi nổi trội xuất hiện.

Whaam! - tác phẩm của Roy Lichtenstein. 1963.

Roy Lichtenstein đã dẫn trước. Cả Andy Warhol và Roy Lichtenstein đều hứng thú với truyện tranh, và cho rằng truyện tranh có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Trong khi Andy Warhol vẫn còn loay hoay tìm kiếm cách thể hiện phù hợp, thì Lichtenstein đã cho ra đời những bức tranh siêu phẳng quyến rũ và cực kỳ thành công.

Roy Lichtenstein sử dụng kỹ thuật Ben Day Dot trong truyện tranh. Các chấm màu sắc độc lập khi được nhìn từ xa sẽ được mắt người tự động hòa trộn màu.

Euréka tìm ra hộp súp

Lúc này, một người bạn của Warhol là Muriel Latow đã gợi ý sao ông không vẽ những thứ quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Ông đã rất thích ý tưởng này, và bộ tranh vẽ những hộp súp Campell ra đời.

Súp Campell là đồ ăn đóng hộp rất phổ biến ở Mỹ mà ai ai cũng sử dụng. Bức tranh trơn tru này thiếu vắng những nét cọ mạnh mẽ của Trừu tượng Biểu hiện. Ông không còn quan tâm đến nét cọ, mà chú tâm vào tính chất dân chủ của nền văn hóa tiêu dùng Mỹ. Các sản phẩm thiết yếu như súp Campell hay nước ngọt Coca-Cola được mọi tầng lớp sử dụng. Đối với ông, chúng là hiện thân rõ ràng nhất của giá trị phổ quát của nước Mỹ. Nhiệm vụ của ông không phải là đi tìm những chiều sâu tinh thần xa vời nữa, ông phải phản ánh chính đời sống này.

Campbell's Soup Cans | Những Hộp Súp Campell. 1962. Nguồn: MoMA

Những bức tranh này hầu như giống hệt nhau, chỉ khác ở tiêu đề trên từng hộp súp. Andy Warhol cho rằng sự lặp lại tạo ra cảm giác thỏa mãn về mặt thị giác. 

Nhà máy sản xuất nghệ thuật của Andy Warhol.

Nhà máy sản xuất nghệ thuật

Andy Warhol cho rằng sáng tạo cũng giống một “quy trình” máy móc. In lụa cho phép công việc này được diễn ra một cách liên tục và tạo ra nhiều bản sao nhanh chóng. Xưởng làm việc của ông được đặt tên là Factory. Ông làm việc như một ông chủ nhà máy, điều động một đội ngũ “công nhân”, hay những trợ lý sáng tạo trong một quy trình làm việc mô phỏng máy móc. Factory của được bạn trai trong nhiều năm của Andy là Billy Name bao phủ bằng giấy bạc. Xưởng là một không gian lộn xộn và nổi loạn dành cho đội ngũ trẻ hippie.

Marilyn Monroe - một trong những tác phẩm dễ nhận biết nhất của Andy Warhol. 1967. Nguồn: MoMA

Đầu những năm 1960s, ông bắt đầu sử dụng kỹ thuật kéo lụa (silkscreen) để vẽ những nhân vật nổi tiếng, bắt đầu từ Marilyn Monroe. Cái chết của đại minh tinh Holywood vào năm 1962 khiến cô trở thành một cơn sốt, và Warhol ngửi thấy mùi thành công từ tên tuổi của nàng. Loạt tranh chân dung Marilyn Monroe đã vô cùng thành công và sau đó bán được hàng triệu bản.

Trong loạt tranh này, hàm răng của Marilyn cắn chặt, cho thấy một tâm trạng căng thẳng và dễ tổn thương của đại minh tinh trước ống kính truyền thông. Bản thân chi tiết hàm răng được nhân bản và trở thành những tác phẩm độc lập. Chúng ta bắt gặp một khía cạnh con người hơn sau tấm màn hào nhoáng của danh vọng đỉnh cao.

Warhol cũng biến bản thân ông thành một tác phẩm. Hiếm có một nghệ sĩ thị giác nào hào nhoáng như Andy Warhol. Ông biến hình ảnh cá nhân thành một thương hiệu. Mái tóc bạch kim và gương mặt góc cạnh đầy nét điện ảnh khiến ông trông như một ngôi sao thực sự.

Hết thời, và hướng đi mới

Sau thời kỳ thăng hoa, từ giữa thập niên 1960, Andy Warhol trở nên lỗi thời và rơi ra khỏi tâm điểm của truyền thông. Những giá trị nổi loạn và ồn ào của thập niên 1960 cũng đến đà suy thoái. Như nhà xã hội học Christopher Lash miêu tả, người Mỹ đã bước ra khỏi những ồn ào để bước vào một lãnh địa lành mạnh, cá nhân và trầm tĩnh hơn. Đến năm 1974, Warhol rời khỏi Factory lộn xộn để đến tòa nhà thương mại số 860 Broadway. Không còn những mảng tường giấy bạc, Văn Phòng mới của Andy bóng bẩy và sang trọng. Những nhân viên ăn mặc chỉn chu tạo thành những vòng quay bao quanh Warhol và ông làm việc trong một gian phòng riêng trong tĩnh lặng và cô đơn.

Thời kỳ này, ông tiếp tục tạo ra chân dung người nổi tiếng. Khác với thời kỳ trước, lúc bức tranh Marilyn được sản xuất hàng loạt để bán rộng rãi, thì những chân dung này được đặt hàng riêng và dành cho những khách hàng sang trọng như Liza Minnelli và Elizabeth Taylor. 

Liza Minelli

Elizabeth Taylor

Năm 1984, ông thực hiện bức chân dung Michael Jackson cho tờ tạp chí Time. Warhol thường sử dụng ảnh cắt ra từ tạp chí để làm mẫu sáng tác. Gần đây, nhiều năm sau khi qua đời, ông lại bị kiện vì sử dụng bức ảnh chụp huyền thoại Prince của nhiếp ảnh gia Lynn Goldsmith làm tư liệu sáng tác mà không xin phép tác giả.

Lúc này, giới nghệ thuật chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào nghệ thuật đường phố. Nắm bắt xu thế đó, Andy Warhol đã kết hợp cùng một chàng trai trẻ có tiềm năng để tạo nên những tác phẩm chung. Đó là Jean-Michel Basquiat, người sau này trở thành nghệ sĩ đắt giá nhất nước Mỹ. Phong cách của Basquiat mang một tinh thần nổi loạn, ngông cuồng và năng động. Là một bậc thầy quảng bá sành sỏi, Andy Warhol luôn biết tìm ra cách làm mới và không bao giờ chịu tuột lại phía sau.

Andy Warhol và Basquiat. Nguồn ảnh: Sotheby's

Nỗi buồn, cái chết

Những tác phẩm trong giai đoạn cuối của Andy Warhol phản ánh một tâm trạng buồn bã. Kể từ sau một lần bị bắn và chết hụt, ông trở nên ám ảnh với chủ đề cái chết. Chết sọ đầu xuất hiện trong những tác phẩm nhiếp ảnh và kéo lụa như một thông điệp u ám - memento mori - nhớ rằng ngươi rồi cũng sẽ chết.

Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng ông đã trải qua trạng thái FOMO – nỗi sợ bị bỏ rơi – trong những năm tháng cuối cùng. Ông làm ra hơn 600 chiếc hộp thời gian hòng ngưng đọng từng chi tiết trong cuộc đời mình. Những chiếc hộp thời gian (time capsule) chứa đầy những vật dụng ngẫu nhiên gợi nhắc đến sự tồn tại của Andy Warhol. Dù sức khỏe hao mòn do những cơn đau túi mật kéo dài, ông vẫn thường xuyên đến những sự kiện thượng lưu để cảm thấy mình vẫn thuộc về nơi đó.

Ngày 22 tháng 2 năm 1987, ông qua đời ở tuổi 58, kết thúc cuộc đời nhiều vinh quang xen lẫn cay đắng và trầm luân.

Đọc thêm về những nghệ sĩ tuyệt vời tại chuyên mục Übermensch

Hiếu Y

Bài viết liên quan

Sáng tác của Cornelia Parker là nỗ lực chiêm nghiệm về các vấn đề xã hội đặt ra những câu hỏi về mối liên hệ giữa con người với thế giới vật chất và tinh thần.

Trong phần lớn đời sống, chúng ta ít khi nghĩ về cái chết cho tới một lúc đứng trước sự ra đi, ta giật mình tự phản ánh: Memento mori - nhớ rằng ai rồi cũng chết.