gấu thiên thể trò chuyện với chị Hiền Nguyễn /art conservation/

gấu thiên thể trò chuyện với chuyên gia phục chế và bảo quản tác phẩm nghệ thuật Hiền Nguyễn.

Chào chị Hiền Nguyễn,

gấu thiên thể rất vui khi trò chuyện với chị hôm nay. Lần đầu tiên gấu biết đến chị Hiền và công việc của chị là qua khóa tập huấn mà chị thực hiện cùng The Outpost Art Organisation (Hà Nội). Tuy không tham dự trực tiếp nhưng gấu đã theo dõi thông tin, và hôm nay mong biết thêm về chuyên môn chị đang theo đuổi.

- Cơ duyên nào đã hướng chị đến với ngành phục chế?

Ban đầu, tôi học ngành kiến trúc cảnh quan và thiết kế nội thất. Năm 2008, tôi có dịp tham gia phục chế khung sắt và tường cho một ngôi nhà thờ cổ từ thế kỷ 13 ở Pháp. Sau trải nghiệm này tôi đã nhen nhóm ý tưởng theo đuổi chuyên môn phục chế.

Đến năm 2012, tôi vô tình đọc được một quyển sách nói về công việc của Giám tuyển, Chuyên gia đấu giá và cách các bộ sưu tập nghệ thuật được định vị. Thông tin mới mẻ này đã thôi thúc tôi quyết tâm tìm hiểu và học về nghề phục chế - bảo quản các tác phẩm nghệ thuật.

- Có những khía cạnh hay nội dung nào từ chương trình đào tạo phục chế mà chị cảm thấy tâm đắc không?

Trong chương trình đào tạo chuyên viên phục chế, tôi đã tích lũy kiến thức về nghệ thuật từ các môn học lịch sử mỹ thuật, lịch sử ngành bảo quản - phục chế, kỹ thuật vẽ, và đặc biệt học chuyên sâu về hóa học, khoa học khảo cổ và các môn khoa học khác. Những môn học này giúp người học nắm vững kiến thức về các chất liệu, vật liệu, hình dạng và cấu tạo của các loại hình tác phẩm. Đây là nền tảng rất quan trọng để sau khi ra trường, mỗi người sẽ tiếp tục chọn một phạm vi hoạt động chuyên sâu hơn, phù hợp với khả năng và sự yêu thích của bản thân, để tiếp tục mở rộng kiến thức và thực nghiệm.

Có một môn học rất hay mà tôi thực sự tâm đắc là môn đọc tác phẩm, một nhánh trong môn lịch sử phục chế. Trong lớp này, giáo sư sẽ đưa ra một bức tranh và mỗi học viên có 15 phút để nhận định các yếu tố về phong cách, thời kỳ, vật liệu, kỹ thuật, v.v. 

Quá trình đào tạo kỹ lưỡng về lý thuyết, lịch sử và thực nghiệm đã thay đổi quan niệm của tôi về giáo dục. Đặc biệt là về tầm quan trọng và vai trò của lịch sử nghệ thuật và lịch sử vật liệu. Đáng tiếc các kiến thức này có vẻ chưa thực sự được chú trọng tại Việt Nam.

- Chị có đề cập đến việc đào tạo về hóa học và lịch sử của vật liệu, chất liệu. Vốn có một quan niệm phổ biến cho rằng nghệ thuật và khoa học tồn tại ở hai trạng thái, tính chất đối lập nhau. Chị nghĩ gì về điều này?

Khoa học và nghệ thuật không nên được tư duy như hai lĩnh vực tách biệt. Để thực hành tốt, nghệ sĩ cần có hiểu biết nhất định về hóa học để biết cách màu sắc tác động, phản ứng với nhau, cách chúng xỉn đi theo thời gian. Một khi hiểu rõ về chất liệu, nghệ sĩ có khả năng sử dụng chất liệu một cách thoải mái, có thể kiểm soát kết quả mình làm ra. Thường có quan niệm cho rằng sáng tạo là một quá trình ngẫu hứng, tuy thế kết quả có thể dự đoán và kiểm soát khi ta thực sự nắm vững kiến thức khoa học.

- Chị có thể hé lộ đôi điều về công việc của chị từ khi chị trở về Việt Nam?

Sau quá trình học tập, tôi đã làm nghề một thời gian tại Pháp, có thể kể đến công tác phục chế bộ ba bức tranh 3 mét tại nhà thờ Saint Eubert tại Lille, trong đó tôi đảm nhiệm hơn 50% công tác phục chế.

Từ khi trở về Việt Nam, tôi bắt đầu phục chế tranh Đông Dương của các họa sĩ Pháp và họa sĩ Việt Nam. Vừa qua, tôi phục chế phần lớn bộ tranh sơn mài của họa sĩ Trần Phúc Duyên, các tác phẩm đó đã được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San (tháng 7 và tháng 8 năm 2023). Tôi cũng đã tham gia thẩm định chất lượng và phục chế tác phẩm cho hai triển lãm Sotheby’s do Ace Lê giám tuyển.

Hiện tôi vừa thành lập một studio cá nhân tại TpHCM, nơi tôi thực hiện các dự án phục chế. Đồng thời tôi cũng có suy nghĩ về các dự án phục chế di sản, các hoạt động cộng đồng trong tương lai.

- Một ngày ở studio của chị diễn ra như thế nào?

Công việc của một nhà phục chế khó có thể gọi tên, bởi tôi cho rằng nó được vay mượn, tích hợp từ nhiều nghề khác nhau.

Có lúc ta phải thao tác bằng tay chân, làm việc với búa, kìm, cưa, đục, khi đó ta cần kiến thức và kỹ năng của những nghề mộc, dệt, làm giấy.

Lại có lúc ta sử dụng sử dụng các biện pháp phân tích hóa học, lúc ấy kiến thức khoa học tự nhiên lại rất quan trọng. Ta cũng cần nắm vững khoa học khảo cổ khi cần xác định bằng quang phổ để đọc chính xác loại vật liệu mà họa sĩ ngày xưa đã sử dụng. Chỉ màu vàng thôi cũng có nhiều loại, ví dụ màu gốc khoáng, gốc thực vật, hay gốc công nghiệp. Cần xác định chính xác để tìm giải pháp phù hợp nhất với vật liệu gốc.

Có những ngày tôi không thao tác gì mà chỉ đọc sách vở, tài liệu lưu trữ. Hiện công việc của tôi còn có sự trợ giúp của hai bạn trợ lý trong phòng thí nghiệm.

- Điều gì khiến chị thấy vui khi làm công việc này?

Tôi cảm thấy cực kỳ phấn khích khi gặp thử thách. Nhiều tác phẩm có những vấn đề khiến tôi đau đầu đến không ngủ được. Một người đam mê nghiên cứu lúc nào cũng chìm đắm trong những câu hỏi cần giải đáp. Và khi tìm ra giải pháp chính là lúc ta thấy hạnh phúc nhất.

Công việc của mình tưởng chừng khô khan, nhưng bên trong lại thực sự ẩn chứa nhiều điều hấp dẫn.

- Chất liệu nào khó thao tác nhất?

Lụa giống như một cô tiểu thư mà ta phải rất nhẹ nhàng, đến mắng cũng ko dám. Còn đỏng đảnh nhất chính là sơn mài, bởi ta phải đọc và thao tác trên rất nhiều lớp xếp chồng lên nhau.

- Theo gấu thiên thể được biết, chị đã hướng dẫn một khóa học ngắn hạn do The Outpost Art Organisation (Hà Nội) tổ chức. Chị có thể chia sẻ đôi điều về khóa học này không?

Khóa học ngắn hạn về bảo quản - phục chế vừa qua tập trung đào tạo cho các bạn đã và đang làm việc trong ngành nghệ thuật, nghĩa là các bạn đã có kiến thức chuyên môn vững và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong các tổ chức nghệ thuật mà họ đang công tác. Do vậy, việc truyền đạt kiến thức và thực hành đơn giản trong công tác bảo quản tác phẩm nghệ thuật diễn ra rất trơn tru, hào hứng. Cách dạy và học được triển khai theo hình thức chia sẻ, thực hành thực tế và đi sát theo nhu cầu của người học.

Với tư cách là người hướng dẫn, tôi mong muốn truyền tải những kiến thức mà mình được học một cách đúng đắn và bài bản nhất. Vì theo quan sát, đa số công chúng và ngay cả những người thực hành đôi khi có cách hiểu sai về một vài khái niệm hoặc kiến thức cơ bản. Hiểu rõ và đúng bản chất của mỗi vấn đề, mỗi khái niệm là điều cần thiết và điều đó góp phần nâng cao tiêu chuẩn của cả lĩnh vực nghệ thuật, trong đó phục chế là một mắt xích nhỏ.

Chị có thể chia sẻ về những dự định, hướng đi sắp tới của chị không?

Cá nhân tôi ngoài việc phát triển bản thân trong sự nghiệp, vẫn mong muốn được tham gia các dự án có ý nghĩa liên quan đến chuyên môn và kiến thức chuyên ngành phục chế-bảo quản trong tương lai.

Hiện tại ở xưởng riêng, tôi đang điều hành các khóa học ngắn hạn dành cho người sở hữu tranh, họ học những kỹ thuật cơ bản để có thể tự bảo quản tác phẩm, ví dụ làm vệ sinh, căng lại tranh.

Tôi cũng đang tham gia giám định và phục chế cho một số triển lãm, chi tiết sẽ dần được công bố trong thời gian tiếp theo. Song song đó, tôi cũng thực hiện một dự án cho cộng đồng tôn giáo. Đây là một dự án có quy mô lớn, với sự tư vấn của nhiều chuyên gia từ các ngành lịch sử, khảo cổ, phục chế.

Không thể thiếu các hoạt động mang tính giáo dục và hướng đến cộng đồng mà tôi sẽ rất vui mừng được triển khai trong thời gian tiếp theo.

gấu thiên thể cảm ơn chị Hiền và mong chờ những triển vọng sắp đến!

Chị Hiền Nguyễn tốt nghiệp chuyên ngành Conservation - Restauration des oeuvres d’Art tại trường tư thục nghệ thuật AAATP tại Paris - Pháp. Từ khi trở về Việt Nam, chị tham gia vào hoạt động phục chế các tác phẩm nghệ thuật cho các bộ sưu tập và triển lãm trong và ngoài nước, trong đó nổi bật là công tác phục chế các tác phẩm của hoạ sĩ Trần Phúc Duyên và tác phẩm ‘Vịnh Hạ Long’ (kích thước 212x513 cm) của hoạ sĩ Jean-Louis Paguenaud trong triển lãm Mộng Viễn Đông (Ace Lê giám tuyển, 2023). Chị vừa sáng lập studio phục chế riêng đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, và có nhiều kế hoạch cho hoạt động phục chế, bảo tồn cũng như truyền thông, giảng dạy về chuyên môn này trong tương lai.

Thực hiện: gấu thiên thể

Hình ảnh: The Outpost Art Organisation cung cấp

Nhân dịp Ba-Bau AIR tổ chức khóa học về art handling (tạm dịch: xử lý tác phẩm nghệ thuật trong không gian trưng bày), chúng tôi có cuộc trò chuyện với đội ngũ ba-bau AIR để hiểu thêm về công việc này và những kết quả đạt được từ khóa học.

gấu thiên thể trò chuyện với anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Heritage Space, để hiểu thêm về hoạt động lưu trữ nghệ thuật (art archiving) và vai trò của nó trong bối cảnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam.