gấu thiên thể trò chuyện với Ba-Bau AIR /art handling/

Nhân dịp Ba-Bau AIR tổ chức khóa học về art handling (tạm dịch: xử lý tác phẩm nghệ thuật trong không gian trưng bày), chúng tôi có cuộc trò chuyện với đội ngũ Ba-Bau AIR để hiểu thêm về công việc này và những kết quả đạt được từ khóa học. Cuộc trò chuyện này cũng bắt đầu cho chuỗi nội dung “Trong nghệ thuật có nghề gì?” của gấu thiên thể, như một nỗ lực vén bức màn nhìn vào cánh gà, làm lộ diện những vai trò khác nhau của lĩnh vực nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Công chúng xem nghệ thuật thường chỉ tiếp cận triển lãm sau khi mọi công việc chuẩn bị đã được hoàn tất, còn toàn bộ quá trình làm việc đằng sau hầu như ít được biết đến. Khán giả cũng dành sự quan tâm cho các tác phẩm nghệ thuật, và có vẻ hiếm khi chú ý đến các yếu tố xung quanh và đằng sau, có thể kể đến như các vấn đề về chủ đích đặt để, yếu tố về chiếu sáng, và cách thức tạo nên sự tương tác giữa người xem với tác phẩm.

Một triển lãm ra đời nhờ vào thành quả lao động của tập thể với nhiều nhiệm vụ và chuyên môn khác nhau. Trong số đó, các thao tác sắp đặt thường ít được nhắc đến. Thế nên thuật ngữ ‘art handling’ hẳn còn xa lạ với khán giả.

[gấu thiên thể] Trước khi đi vào chi tiết, ta nên dịch ‘art handling’ là gì?

[Ba-Bau AIR] Hiện tại ở Việt Nam chưa có cách dịch thống nhất cho thuật ngữ ‘art handling’. ba-bau và một số giám tuyển khác tạm đề xuất cách dịch là ‘xử lý tác phẩm nghệ thuật trong không gian trưng bày/triển lãm’ [từ đây gọi tắt là ‘xử lý trưng bày’]. Công việc này không chỉ dừng lại ở việc lắp đặt, mà còn bao gồm trưng bày, xử lý không gian, tháo dỡ,... Chúng ta sẽ dần nói cụ thể hơn về các hạng mục.

Hình ảnh các hoạt động từ bootcamp do Ba-Bau AIR tổ chức. Hình ảnh thuộc về Ba-Bau AIR.

Có thể gọi xử lý trưng bày là một nghề nghiệp có tính độc lập hay không? Mức độ chuyên môn hóa của công việc này ra sao?

Cạnh bên Việt Nam, Indonesia đã công nhận xử lý trưng bày như một nghề chính thức với các quy chuẩn cụ thể. Trường hợp của nhóm Serrum (thành lập năm 2006, Jakarta) mà Ba-Bau vừa mời đến Hà Nội để hướng dẫn khóa tập huấn, ban đầu họ là một nhóm bạn cùng hỗ trợ nhau trong học tập, hợp sức giúp đỡ tổ chức triển lãm tốt nghiệp cho nhau. Công việc của họ dần được chuyên môn hóa. Càng làm nhiều, họ nhận ra có nhiều người cần việc hỗ trợ xử lý, và kinh nghiệm cho thấy dường như dần có một thị trường tiềm năng đang chờ đợi. Đến năm 2021, Bộ Giáo dục và Bộ Lao động Indonesia công nhận xử lý trưng bày như một nghề nghiệp chính thức và nằm trong số ngành nghề có cấp chứng chỉ hành nghề.

Việc cấp công nhận chính thức mang lại những lợi ích gì cho người làm nghề?

Một trong những câu hỏi BTC nhận được trước khóa tập huấn là: “Liệu rằng xử lý trưng bày về sau có thể trở thành một nghề không?” Điều này cho thấy người tham gia mong muốn tìm kiếm những khả năng ứng dụng trong tương lai.

Việc công nhận chính thức có nhiều hình thức và mức độ khác nhau, tối thiểu là sự công nhận bất thành văn trong nội bộ ngành rằng đây là một nghề; chứng chỉ hành nghề có thể coi là mức độ công nhận cao nhất. Sự công nhận này có thể mang lại những lợi ích tạm kể như sau:

Bên cạnh đó, những thành phần khác của ngành nghệ thuật cũng đều hưởng lợi: Nghệ sĩ yên tâm sáng tác vì có đội ngũ chuyên nghiệp tư vấn kỹ thuật khi sản xuất và tính toán lắp đặt phù hợp; giám tuyển có thể tập trung được vào chuyên môn do đội ngũ xử lý trưng bày có khả năng xử lý tác phẩm cẩn thận, chỉn chu và luôn giao tiếp hiệu quả; các không gian trưng bày (cố định hay tạm thời) cũng có nhân sự chuyên môn có thể xử lý được việc trưng bày nghệ thuật; nhà sưu tập yên tâm giao phó bộ sưu tập cho người có chuyên môn xử lý tại nơi trưng bày, v.v..

Hình ảnh các hoạt động từ bootcamp do Ba-Bau AIR tổ chức. Hình ảnh thuộc về Ba-Bau AIR.

Ở Việt Nam, công việc xử lý trưng bày đang được thực hiện như thế nào?

Từ việc chưa có một cách dịch thống nhất cho thuật ngữ art handling, ta có thể thấy hiện ở Việt Nam, công việc liên quan tới xử lý tác phẩm trong không gian trưng bày vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.

Trước nay, những công việc này vốn đã luôn tồn tại cùng với sự phát triển của các chuyên môn khác trong hệ thống của ngành nghệ thuật, nhưng chủ yếu thực hiện qua hướng dẫn và học hỏi lẫn nhau. Xét tính chuyên môn còn hạn chế nên người làm công việc này ở VN đang thường bị trộn lẫn hoặc giao cho các vai trò khác.

Có thể kể đến một số nhóm làm nghề khá thú vị, đó là các chú chạy xe ba gác ở các cổng trường mỹ thuật. Họ thường nhận chở tác phẩm cho sinh viên hay các thầy trong trường. Chở nhiều, họ dần quay sang kiêm nhiệm cả việc “mi tranh” - treo tranh và cân chỉnh cho ngay ngắn. Tuy nhiên, công việc của những nhóm này vẫn mang tính tạm thời và chưa đạt được mức độ chuyên môn cần thiết. Ngoài ra hiện nay thực hành nghệ thuật có mức độ sử dụng đa dạng chất liệu và trên nhiều phương tiện trình hiện hơn, do đó việc xử lý trưng bày không còn đơn thuần là thao tác treo tranh.

Một số ít gallery và tổ chức nghệ thuật đã có nhân sự kỹ thuật chuyên nghiệp, nhưng việc này chưa phổ biến. Với đơn vị độc lập như ba-bau AIR thì bọn mình thường làm việc cùng các anh thợ điện, thợ kim hoàn, kỹ sư… mỗi khi thực hiện triển lãm. Họ là những người khéo tay, có kiến thức kỹ thuật và biết sử dụng các công cụ, máy móc, nhưng lại  không có chuyên môn cụ thể về việc xử lý tác phẩm nghệ thuật.

Hình ảnh các hoạt động từ bootcamp do Ba-Bau AIR tổ chức. Hình ảnh thuộc về Ba-Bau AIR.

Tình hình công việc như trên quả thật đã mang đến một số điều bất tiện nhất định, nhất là giao tiếp cho với các bên kỹ thuật cho chương trình. Tiêu biểu như việc hiện đội ngũ tổ chức và đội ngũ thợ/kỹ thuật viên đang không sử dụng cùng một bộ từ vựng, do đó hai bên thường khó truyền đạt nhanh chóng và rõ ràng các vấn đề cho nhau. Kinh nghiệm làm việc của chúng tôi cho thấy, dù đã có đội ngũ thân quen và làm việc cùng nhau đã lâu, song đến khi thao tác trưng bày tác phẩm, chúng tôi vẫn luôn cần giám sát, can thiệp xuyên suốt quá trình làm việc để đạt được mục đích chính xác thỏa nhu cầu thẩm mỹ hoặc ý đồ đặc biệt của riêng từng tác phẩm.

Do đó, hiện nay ngành nghệ thuật mong muốn có những chuyên viên với bộ quy chuẩn thống nhất để có thể hiểu ý nhau, dễ dàng hợp tác dựa trên những nguyên tắc được thừa nhận chung. Và trên hết là để đảm bảo quá trình chăm sóc tác phẩm từ xưởng nghệ sĩ đến không gian trưng bày được xử lý toàn vẹn.

Ba-Bau vừa cho biết rằng nghệ thuật đã trở nên đa dạng hơn, với nhiều chất liệu, hình thức, phương tiện khác nhau. ba-bau có thể cho biết thêm về những thay đổi trong bối cảnh thực hành nghệ thuật tại Việt Nam?

Từ đầu những năm 1990, nghệ thuật đương đại và thể nghiệm xuất hiện tại Việt Nam. Nếu trước đây các nghệ sĩ chủ yếu vẽ tranh và điêu khắc, thì lúc này các nghệ sĩ bắt đầu sáng tác bằng nhiều phương tiện, chất liệu khác nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, các không gian mới xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng hệ sinh thái nghệ thuật tại Việt Nam đang thiếu hầu hết các vai trò, nên mỗi người thường kiêm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn khác nhau. Nhìn lại 30 năm của nghệ thuật đương đại và thể nghiệm Việt Nam thì dường như hầu hết nguồn lực đều được tập trung vào việc phát triển nghệ sĩ, ngoài ra cũng có nhen nhóm việc phát triển giám tuyển, nhưng các vai trò khác hầu như không có diễn đàn và cộng đồng làm nghề tích cực, chưa nói đến chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các trưng bày, triển lãm lớn trên thế giới cũng dễ dàng hơn, đi cùng với mong muốn trưng bày tác phẩm chỉn chu hơn, tiến gần với tiêu chuẩn trên thế giới từ các nghệ sĩ và các không gian.

Cần thiết là thế nhưng hiện nay lại thiếu chuyên viên xử lý có nghề. Ai cũng nhận ra sự khan hiếm và mong muốn cải thiện tình hình.

---còn tiếp---

Hình ảnh các hoạt động từ bootcamp do Ba-Bau AIR tổ chức. Hình ảnh thuộc về Ba-Bau AIR.

gấu thiên thể

gấu thiên thể trò chuyện với anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Heritage Space, để hiểu thêm về hoạt động lưu trữ nghệ thuật và vai trò của nó trong bối cảnh Việt Nam.

gấu thiên thể trò chuyện với anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Heritage Space, về Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam mà dự án đang triển khai thực hiện.