gấu thiên thể trò chuyện với Heritage Space /art archiving/ P1

Dự án Vietnam Contemporary Art Database (Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam) được Heritage Space khởi xướng từ năm 2020. gấu thiên thể trò chuyện với anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Heritage Space, để hiểu thêm về hoạt động lưu trữ nghệ thuật (art archiving) và vai trò của nó trong bối cảnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cuộc trò chuyện là một phần trong chuỗi nội dung “Trong nghệ thuật có nghề gì?” của gấu thiên thể, một nỗ lực nhằm tìm hiểu các vai trò khác nhau trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Phần 1 - Về lưu trữ nghệ thuật

[gấu thiên thể]

Chào anh Tuấn và Heritage Space!

Lưu trữ nghệ thuật là gì? Nó giống và khác gì so với các loại hình lưu trữ khác?


[Nguyễn Anh Tuấn - Heritage Space]

Theo định nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu của Bảo tàng Tate (Tate Museum), Lưu trữ là một bộ sưu tập của các bản ghi hoặc sao lưu được bảo tồn và quản lý dành cho mục đích nghiên cứu.[1]

Tuy vậy, chúng ta cần có những cách nhìn nhận sâu xa hơn về bản chất của nguyên do và cơ chế lưu trữ. Tạm thời, theo cách hiểu của tôi, Lưu trữ là một hình thái của ý thức bậc cao của con người, vượt lên trên các loài sinh thể khác trên trái đất bởi trí nhớ và ý thức về lưu trữ trí nhớ một cách hệ thống, không chỉ của riêng mình mà của các cá thể khác cùng loài. Nó nằm trong triết lý tự nhiên của sự tồn tại của con người - một trong những sinh thể có hệ ý thức bậc cao và được vận hành như một cơ chế sinh học của bản năng sinh tồn. Nếu con người sinh ra đói ăn khát uống mệt ngủ là những nhu cầu bản năng, thì nhu cầu của trí nhớ và kí ức là để duy trì được những năng lực đó. Ghi nhớ nơi tìm kiếm thức ăn và nguồn nước, ghi nhớ về cách làm ra lửa và trồng lúa, ghi nhớ loài nào ăn được và con nào nên tránh, ghi nhớ về con đường đi về và dáng hình vùng đất, ghi nhớ về những lời răn dạy thông thái của tiền nhân để truyền lại cho con cháu. Các tệp ghi nhớ chồng lớp theo năm tháng trở thành một tập tài sản để sinh tồn và di sản để truyền đời sau, và vì thế cần đến lưu trữ.

Lưu trữ (archive theo tiếng Anh) - giống như Thư viện học - là một lĩnh vực lớn trên thế giới và được phân loại một cách đa dạng tùy thuộc vào từng chuyên ngành, mỗi chuyên ngành lại được phân loại và hệ thống hóa theo các phân vùng thể loại, cấu trúc, chất liệu và nền tảng lưu trữ. Khi các tệp thông tin về các hình thái đời sống trở nên dày dặn theo năm tháng, phát triển và phân hóa theo lĩnh vực và chuyên ngành, chúng cần được sắp xếp trong một nơi chốn để ai cũng có thể tìm kiếm - là thư viện - và cần một hệ thống vận hành hệ thống tri thức thông tin đó - là lưu trữ. Lưu trữ trong nghệ thuật cũng bắt đầu từ đó.

Có thể chắc chắn rằng Lưu trữ trong nghệ thuật xuất hiện song song với các thực hành. Khi nghệ thuật được xác định như một hình thái biểu đạt thông tin của con người về thị giác, bên cạnh âm thanh và cử chỉ, lưu trữ bắt đầu được kích hoạt một cách tự nhiên như là một cơ chế để bảo toàn chúng. Nó có thể bắt đầu từ việc các nghệ nhân hay nghệ sĩ tự lưu trữ tài liệu về tác phẩm và thực hành của họ để phục vụ sáng tác, những người hâm mộ sưu tầm tác phẩm của họ và những thông tin liên quan, những ngôi nhà chung được trang hoàng bằng nghệ thuật như nhà thờ hay thánh đường và bảo tàng xuất hiện, những người viết về nghệ thuật để định hướng và dẫn dắt công chúng - nhận thức tập thể, dần dần đi sâu thành người nghiên cứu, sử gia và bình phẩm, và cuối cùng là những thư viện, hệ thống nghiên cứu về một nền văn hóa nghệ thuật cụ thể - tức là nghiên cứu về một hệ thống phát triển tuyến tính.

Dự án Vietnam Contemporary Art Database (Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam) được Heritage Space khởi xướng từ năm 2020. Ngày truy cập 12/11/2023.

Xem dự án tại https://vcad.org.vn/

Dựa vào quy mô và mục đích sử dụng, Lưu trữ nghệ thuật có thể tạm thời phân chia theo các loại hình như sau:

 

1. Lưu trữ cá nhân của các nghệ sĩ, giám tuyển, nhà nghiên cứu nghệ thuật dành cho nhu cầu thực hành, công việc và tư liệu hóa dành cho chính bản thân họ.

2. Lưu trữ của Phòng trưng bày (gallery), Nhà đấu giá và các hệ thống nghệ thuật nhằm mục đích quản lý, thương mại và luân chuyển tác phẩm nghệ thuật.

3. Lưu trữ của Bảo tàng, cơ sở giáo dục hoặc các hệ thống nghiên cứu kinh viện dựa trên nguồn lực công, được phân loại và phân cấp quản lý theo các tiêu chuẩn và hình thái của khoa học xã hội. Mô hình này có thể nhỏ hoặc lớn như những Kho lưu trữ quốc gia hoặc những thư viện chuyên ngành hay trường đại học.

4. Lưu trữ của các tổ chức tư nhân độc lập, cộng đồng, mang tính phát triển xã hội và phi thương mại. Nó xuất phát từ nhu cầu tự thân của tổ chức (tư liệu hóa hoạt động của mình) hoặc thành lập kho lưu trữ nghệ thuật mở rộng hơn, có đối tượng và mục tiêu cụ thể như một tổ chức quốc tế như Asia Art Archive - bao gồm nhiều bộ sưu tập từ nhiều kho lưu trữ của tổ chức và nghệ sĩ độc lập khắp nơi trên châu Á,  trường hợp Indonesia Visual Art Archive Library (IVAA) lưu trữ nghệ thuật thị giác trên lãnh thổ Indonesia, hay Vietnam Contemporary Art Database dành cho nghệ thuật đương đại Việt Nam của Heritage Space.

Ảnh tư liệu trích từ trình diễn Người cơm, Trần Lương, 2001. Nguồn: VCAD. Ngày truy cập 12/11/2023.

Phân loại như trên có thể nói là một cách thức nhìn nhận mô hình lưu trữ quy mô nhỏ tới lớn nhu cầu và đối tượng lưu trữ, cũng có thể nói là một hệ thống có tính chỉnh thể để nhìn nhận một cách đầy đủ nhất về một nền văn hóa nghệ thuật, tương ứng với mô hình tổ chức và vận hành xã hội của một cộng đồng hay một quốc gia.

Lưu trữ trở nên chuyên biệt hóa vì chính đối tượng của nó. Lịch sử phát triển của một lĩnh vực được định hình bằng các lớp lang thời gian, thành tựu, các bước chuyển, nhân vật, yếu tố khách quan của thời đại và xã hội, tất cả tập hợp thông tin đó đều có thể đóng góp vào sự hình thành của tác phẩm nghệ thuật, và như thế việc lưu trữ cũng sẽ phải tùy biến theo. Các hình thái nghệ thuật khác nhau từ nghệ thuật tôn giáo, chất liệu, phong cách, trường phái, kỹ thuật và bút pháp, đều là các cơ sở để hình thành nên những bộ lưu trữ khác nhau. Không chỉ các nhân tố nghệ thuật là đối tượng hình thành nên lưu trữ, mà lưu trữ cũng xuất phát từ chính ý thức và thái độ của con người với nghệ thuật. Vì vậy, một cá nhân cũng có thể tự lưu trữ và phát triển bộ lưu trữ nghệ thuật của riêng mình với cách lựa chọn, sắp đặt, trình bày riêng thể hiện thẩm mĩ và thế giới quan của người đó.

Với nghệ thuật đương đại, sự phát triển đa dạng về các hình thức biểu đạt, nguyên lý và cách thức thực hành, vật liệu-thuộc tính vật chất và nền tảng thực hành, sự bao phủ và chiều sâu tri thức, vai trò của người sáng tác-tham gia-thụ hưởng đều chi phối đến lưu trữ và thực hành lưu trữ về nó. Cùng với những yếu tố khách quan và chủ quan của nghệ thuật như địa lý và lịch sử, ý thức hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, đều tạo ra những ảnh hưởng lớn trong việc định vị và xây dựng phương hướng, cách thức làm việc của kho lưu trữ. Tính chuyên biệt của các kho lưu trữ nghệ thuật và nghệ thuật đương đại cũng từ đó mà trở nên đa sắc thái và chuyên sâu theo chính đối tượng của nó.

Gỡ rối #1, Nguyễn Thị Thanh Mai, 2013.

Ngày truy cập 12/11/2023. Xem thêm tại VCAD.

Trước dự án VCAD, tại Việt Nam có những nỗ lực nào thực hiện lưu trữ và chia sẻ dữ liệu nghệ thuật với công chúng không?

Lưu trữ nghệ thuật Việt Nam, tạm thời chỉ bàn đến giai đoạn cận-hiện đại tới ngày nay, có lẽ được bắt đầu với việc người Pháp đưa hệ thống nghiên cứu khoa học xã hội phương Tây vào nghiên cứu văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỉ 20. Những kinh viện như hệ thống Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ, các trường đại học mỹ thuật mỹ nghệ, ngành nghiên cứu khảo cổ, dân tộc học, những trước tác của L. Bezacier, Louis Finot trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, đã xây dựng được một hệ thống tương đối hoàn chỉnh từ khung lý thuyết, phương pháp luận tới hồ sơ và kinh nghiệm thực địa, hệ thống thu thập và khảo sát dựa trên khảo cổ và điền dã, hệ thống lưu trữ và trưng bày, ấn phẩm và tài liệu chuyên ngành. Gần như toàn bộ hệ thống này vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng đến ngày nay, dù bị ngắt quãng bởi chiến tranh từ 1945 tới 1975, sự thay đổi của các ý thức hệ chính trị (dẫn đến các nhận thức khác nhau về giá trị văn hóa nghệ thuật).

Trong ngành nghệ thuật, nghiên cứu và lưu trữ hiện đại khởi đầu với việc họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung chủ trì thành lập Viện Nghiên cứu Mỹ thuật vào năm 1962 và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào năm 1963 ở miền Bắc[2]. Bằng việc bám theo xương sống về lý thuyết-phương pháp khảo cổ-dân tộc học và hạ tầng mà người Pháp để lại, ông cùng nhiều cộng sự, nhà nghiên cứu định hình phương pháp nghiên cứu văn hóa nghệ thuật truyền thống và Viện Mỹ thuật - nơi ông góp phần sáng lập và công tác, trở thành một cơ quan chính thống của nhà nước, công lập, vận hành nghiên cứu và lưu trữ nghệ thuật tới ngày nay. Cùng với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đó là hai kinh viện công được giao vai trò lưu trữ và thực hiện nghiên cứu, ấn phẩm, cung cấp thông tin và kiến thức chuyên môn về nghệ thuật cho giáo dục và công chúng. Hệ thống này vận hành tới nay (theo tôi được biết), vẫn chủ yếu dựa trên kho tài liệu thực thể: ảnh phim analog và một ít kỹ thuật số, băng từ, nghiên cứu và tài liệu ghi chép điền dã, thư viện với danh mục các đầu sách chuyên ngành. Có một số nỗ lực số hóa và chuyển thành kho lưu trữ kỹ thuật số, ứng dụng nền tảng internet để chuyển thành các thư viện điện tử công cộng trong những năm gần đây, nhưng có vẻ những nỗ lực này chưa thành công do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nếu các lưu trữ của hai kinh viện kể trên tập trung chủ yếu vào lưu trữ nghệ thuật truyền thống và cận hiện đại, các lưu trữ đương đại ở Việt Nam hiện nay đáng chú ý hơn nhờ vào nỗ lực của tổ chức và cá nhân độc lập. Hiện tại trên Asia Art Archive - Kho lưu trữ nghệ thuật châu Á - có hai bộ lưu trữ về nghệ thuật Việt Nam của Salon Natasha (miền Bắc) và Không Gian Xanh (Blue Space, miền Nam).

Kho tư liệu Salon Natasha chứa 4988 tệp dữ liệu thu thập trong hơn 20 năm hoạt động của salon này. Ngày truy cập 12/11/2023. Xem thêm tại AAA.

Salon Natasha Archive[3] lưu trữ tài liệu của các triển lãm, hoạt động nghệ thuật mới của một trong những không gian nghệ thuật độc lập phi lợi nhuận sớm nhất tại Hà Nội, do nghệ sĩ Vũ Dân Tân và vợ ông - tiến sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Natasha (Natalia) Kraevskaia chủ trì và vận hành từ 1990 tới sau 2010 (khoảng 2011) với nhiều thông tin về triển lãm và sự kiện, các thực hành và công việc của nghệ sĩ trong giai đoạn sớm của nghệ thuật đương đại Việt Nam như Vũ Dân Tân, Lê Hồng Thái, Trương Tân, Nguyễn Minh Thành và nhiều người khác. 

Dữ liệu từ Salon Natasha Archive thuộc Asian Art Archive. Ngày truy cập 12/11/2023.

Tác phẩm Mặt nạ, quái vật và chó sư tử, Vũ Dân Tân, 1996. Chất liệu tổng hợp (vỏ bao thuốc lá, hộp phim, vỏ kẹo tái chế… đặt trong một hộp gỗ). Ngày truy cập 12/11/2023. Xem thêm tại VCAD.

Trong khi đó, Không Gian Xanh[4] là mô hình của một gallery hỗ trợ về nghệ thuật đương đại do bà Trần Thị Huỳnh Nga, vợ họa sĩ Trần Trung Tín, thành lập từ năm 1996, hoạt động cho tới 2010, cũng có những đóng góp quan trọng trong việc lưu trữ hoạt động nghệ thuật đương đại Việt Nam trong miền Nam với những cái tên nổi bật như Jun Nguyễn Hatsushiba, Lê Thừa Tiến, Thái Tuấn cũng như những nghệ sĩ ở thế hệ kế tiếp như Ly Hoàng Ly hay Nguyễn Sơn.

Bộ dữ liệu Không gian xanh gồm 340 tệp dữ liệu tại Asian Art Archive. Ngày truy cập 12/11/2023.

Có thể coi các bộ lưu trữ của Salon Natasha hay Không Gian Xanh là những thực hành sớm về lưu trữ nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ở những giai đoạn tiếp theo (trước và sau 2010 tới nay), chúng vẫn được kế tục bởi sự xuất hiện và hoạt động của các tổ chức nghệ thuật độc lập, các bộ sưu tập tư nhân như Post Vidai hay gần đây là Nguyễn Art Foundation, các gallery chuyên biệt như Art Vietnam GalleryGalerie Quynh, và không gian phi lợi nhuận như Sàn Art, The Factory, Manzi hay Nhà Sàn Collective, các nghệ sĩ và giám tuyển nội địa và nước ngoài quan tâm tới nghệ thuật Việt Nam. Phần lớn các bộ lưu trữ này (theo tôi hiểu) chủ yếu nhằm phục vụ mục đích hoạt động riêng của các cá nhân và tổ chức, ít được biết đến hoặc công bố rộng rãi với cách thức là bộ lưu trữ công cộng.

Đáng chú ý là chuỗi chương trình Mở kho Tư liệu của APD Center, một trung tâm nghệ thuật mới tại Hà Nội, công bố những tư liệu lưu trữ từ những dự án như Dự án Mỏ than Mạo Khê, Lim Dim, cho thấy lưu trữ nghệ thuật vẫn là thực hành ngầm ẩn, song song với vận hành và phát triển của khung cảnh nghệ thuật, và sẽ được đưa ra ngoài ánh sáng bằng cách này hay cách khác vào thời điểm thích hợp.

Ảnh tư liệu tư dự án Mỏ than Mạo Khê (2001), APD Center. Ngày truy cập 12/11/2023.

Ở bên ngoài Việt Nam, Lưu trữ thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (Singapore Art Museum) và Phòng trưng bày Quốc gia Singapore (National Gallery) - những kinh viện do nhà nước bảo trợ - có các sưu tập về nghệ thuật Hiện đại và Đương đại của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Lưu trữ về những tác phẩm và thực hành này có thể được truy cập một cách trực tiếp chỉ khi bạn di chuyển và cư trú ở đó trong một khoảng thời gian.

Lưu trữ độc lập có thể kể đến diaCritics archive, thuộc Mạng lưới Nghệ sĩ Việt Nam Xa xứ (Diasporic Vietnamese Artists Network - DVAN) lưu lại các thông tin thực hành của nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại, tập trung nhiều ở khu vực châu Mỹ, chú trọng vào văn học, viết song cũng có những công việc của nghệ sĩ thị giác, do nhà văn tác giả Viet Thanh Nguyen và giáo sư Isabelle Thuy Pelaud sáng lập từ những năm 1991. Một lưu trữ gần hơn do cá nhân thực hiện - giám tuyển Annie Jael Kwan, về các nghiên cứu thực hành Trình diễn tại Đông Nam Á - Southeast Asia Performance Collection [5], trong đó có nhiều thông tin của nghệ sĩ và công việc ở Việt Nam, từ khoảng năm 2016 và vẫn đang được cập nhật. Lưu Chữ [6], một kho dữ liệu hoạt động trực tuyến về ký tự Việt Nam với những liên hệ thị giác gần gũi với nghệ thuật từ khoảng 2020 bằng nỗ lực của các thành viên trong lĩnh vực đồ họa ở miền Nam. Và gần đây nhất, theo hiểu biết của tôi, một bộ lưu trữ độc lập mang tên An Việt Archive [7] - kho lưu trữ cộng đồng của lịch sử người Việt tại Anh, trong đó có các thực hành văn hóa nghệ thuật đương đại.

Như vậy, về Lưu trữ và Thực hành Lưu trữ, đã có các ví dụ của bốn mô hình hoạt động và vận hành như trên, và coi nghệ thuật/ nghệ thuật đương đại Việt Nam đối tượng trực tiếp toàn phần hoặc bán phần. Việc chúng được biết đến ở mức độ nào, và tạo ra những ảnh hưởng rộng rãi hay khép kín như thế nào còn cần nhiều thời gian với các nghiên cứu xã hội học để đánh giá được một cách đầy đủ và khách quan.

Trong bối cảnh đặc trưng của Việt Nam, anh có cho rằng cần phải có hoạt động lưu trữ nghệ thuật?

Nếu chúng ta bàn về Lưu trữ trong bối cảnh Việt Nam, một quốc gia với nhiều cộng đồng, tức là đụng chạm đến ký ức tập thể, hay còn được gọi với cái tên khác, là Lịch sử. Một tập thể/cộng đồng, có điểm chung với một cá thể, đó là bản năng sinh tồn, và năng lực chọn lọc là một yếu tố của bản năng ấy. Chọn thứ mình ăn được, uống được, chỗ ngủ ngon, đồ mặc vừa và đẹp, nơi sống tốt và thoải mái, nhớ điều vui, quên những kí ức buồn… đều là những lựa chọn đó nằm trong bản năng để tồn tại, tìm kiếm những điều tích cực để tiếp tục sống và sống hướng đến chất lượng tăng trưởng. Chọn lọc kí ức, vì vậy, nằm trong bản năng sinh tồn, trong cơ chế của sự tồn tại và các yếu tố cấu thành nên sinh thể.

Mỗi sinh thể để phát triển cân bằng đều cần đến sự lành mạnh của cả cơ thể và tâm hồn. Với một cá thể sức khỏe thể chất nằm ở các chỉ số sinh học và chức năng vật lí, thì đối với một cộng đồng hay quốc gia, nó được đánh giá bởi sức mạnh của những quyền lực cụ thể: nền quốc phòng hay kinh tế, thương mại, và các mô hình quản lý để duy trì và phát triển quyền lực (được gọi là chính trị). Sức khỏe tinh thần của cá nhân thể hiện bởi tri thức, trình độ học vấn, năng lực và tầm văn hóa thì sức khỏe tinh thần của tập thể các cá nhân được đánh giá qua sự tích lũy và luân chuyển tri thức ở các khía cạnh khoa học tự nhiên và xã hội, đương nhiên bao gồm văn hóa và nghệ thuật - được lưu giữ bằng trí nhớ có tính hệ thống.

Như nằm trong bản năng sinh tồn, một cộng đồng để tồn tại và phát triển sẽ bằng cách này hay cách khác, chọn lọc kí ức để lưu giữ và những phần để lãng quên, để giúp cộng đồng đó luôn có được những năng lượng tích cực chuyển hóa thành động lực, giảm thiểu sự phân tán và tiêu cực, giữ gìn sự tập trung nhất trí của số đông để tiến lên theo định hướng vật chất, hay tinh thần, hoặc cả hai. Họ sẽ lựa chọn những gì đáng để nhớ, và những gì cần phải lãng quên, để đưa vào hành trang và (cho rằng) đó là những gì cần thiết nhất cho hành trình sinh tồn và phát triển, cho những cuộc chiến đã qua và tranh đấu sắp tới. Họ sẽ lựa chọn cách thức để ghi nhớ phù hợp với thói quen, tập quán, khí hậu, điều kiện, phương tiện để những kí ức được lưu giữ, sống và luân chuyển, để luôn tạo ra ý chí, sức ngưng tụ, quyền lực, tham vọng cho hiện tại và hy vọng cho tương lai. Lịch sử của một cộng đồng, hầu hết sẽ được gây dựng, ghi chép, lưu giữ và kể lại theo cách thức như vậy. Và lưu trữ là một thực hành của lịch sử để định vị quá khứ, hiện tại của tập thể và diễn giải nó cho kế hoạch trong tương lai.

Trong từng Hơi thở-Không gì Đứng yên. Tuấn Mami. Sắp đặt, video. 2017. Ngày truy cập 12/11/2023. VCAD

Vậy có lẽ câu hỏi ở đây là ‘lưu trữ nghệ thuật’ có nằm trong những điều nhất thiết phải có trong lịch sử Việt Nam? Nghệ thuật đóng vai trò gì trong sự sinh tồn và phát triển của Việt Nam? Nghệ thuật là gì trong Lịch sử: sự nhận thức về chúng ta là ai và từ đâu đến có quan trọng hay không? Điều gì giúp chúng ta khác biệt với những dân tộc khác, đất nước khác?

Tất nhiên chọn lọc của mỗi cá nhân có thể lúc đúng lúc sai. Anh đến nhầm nhà, nhớ nhầm ngày, yêu nhầm người, mua nhầm đồ do ký ức lựa chọn ghi nhớ phần thông tin sai thay vì phần đúng. Ký ức cộng đồng nằm trong cơ chế chọn lọc cũng có những lựa chọn đúng và sai như vậy. Khác với mỗi cá nhân, sự nhầm lẫn và trả giá cho nhầm lẫn có thể nhìn thấy ngay lập tức hoặc trong ngắn hạn, nhưng cũng có thể phải trả giá bằng nhiều năm cuộc đời. Với một cộng đồng, nhầm lẫn và trả giá có lẽ phải ở cấp số nhân mũ n so với thiệt hại của một cá nhân. Nó được tính bằng thời gian hằng nhiều thập kỷ, thế kỷ, và có thể bằng cả sự hủy diệt.

​​Lưu trữ và Thực hành Lưu trữ ở Việt Nam, như trên đã nói, hình thành tới ngày nay dựa trên nền tảng lý thuyết, phương pháp và thực hành do phương Tây để lại. Một mặt, việc này đem lại những tri thức mới và thực sự hữu ích trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, để giúp một đất nước nhỏ với một cộng đồng bị cô lập bởi chính mình (do chính sách bế quan tỏa cảng thời Nguyễn tới cuối thế kỷ 19) trong một thời gian ngắn có được khả năng hòa nhập với thế giới. Mặt khác, cần phải thẳng thắn rằng nó (có lẽ) là nguyên nhân ít nhiều trong việc gián đoạn truyền thống lưu trữ và luân chuyển tri thức bản địa. Từ đầu thế kỷ 20, khi các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội phương Tây bắt đầu ảnh hưởng ở Việt Nam, các phương pháp lưu trữ phương Đông dần dần bị lấn át và hạn chế, đặc biệt khi tiêu chuẩn khoa học phương Tây được đặt vào hệ tiêu chuẩn cộng đồng và quy chiếu sang lĩnh vực phát triển con người như giáo dục và văn hóa. Những phương thức lưu trữ và luân chuyển tri thức truyền thống, như truyền khẩu, chữ Nôm gần như ‘tuyệt chủng’ ở thời điểm hiện tại, hoặc chỉ được duy trì với những nỗ lực hết sức nhỏ, chuyên biệt của một số nhà khoa học xã hội và người thực hành, được biết đến ở khía cạnh chuyên ngành hẹp.

Mỗi cơ thể có một cách thức tiếp nhận thông tin và ghi nhớ khác nhau và phù hợp nhất với tâm-sinh lý, thói quen sinh hoạt, làm việc và điều kiện sống của họ. Tương tự, mỗi cộng đồng, quốc gia qua thời gian cũng hình thành nên tập tục và cách thức lưu trữ phù hợp với hình thái đời sống, chính trị, hệ sinh thái và văn hóa nơi họ cư trú. Áp đặt một khung lưu trữ xa lạ lên đó, chắc chắn sẽ tạo ra những mâu thuẫn và xung đột một số phương pháp truyền thống của họ. Và nếu chúng ta nhìn nhận lưu trữ và thực hành lưu trữ là một cách thức duy trì bản ngã cá nhân và bản sắc cộng đồng, vậy có khi nào bản ngã-bản sắc đó đang bị điều khiển khi áp dụng khung lưu trữ của một hệ thống xa lạ? Ý thức về Lưu trữ có giúp chúng ta thoát ra khỏi sự áp đặt đó, và Thực hành Lưu trữ có giúp tìm ra một cách thức thực sự phù hợp với Việt Nam, như một cách tìm lại và duy trì bản sắc của mình?

Với tư cách cá nhân, tôi có thể trả lời câu hỏi này là có. Nhưng nếu là một câu hỏi dành cho Ký ức cộng đồng, có lẽ cần nhiều hơn sự trả lời của một cá nhân. Và câu trả lời của bạn là gì?

Cảm ơn anh Nguyễn Anh Tuấn và Heritage Space! Chúng ta sẽ cùng tiếp tục trò chuyện trong phần tiếp theo.


>>> Phần 2 - Về Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam

Thực hiện: gấu thiên thể

Nhân dịp Ba-Bau AIR tổ chức khóa học về art handling (tạm dịch: xử lý tác phẩm nghệ thuật trong không gian trưng bày), chúng tôi có cuộc trò chuyện với đội ngũ ba-bau AIR để hiểu thêm về công việc này và những kết quả đạt được từ khóa học.

gấu thiên thể trò chuyện với anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Heritage Space, để hiểu thêm về hoạt động lưu trữ nghệ thuật (art archiving) và vai trò của nó trong bối cảnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Trích dẫn

[1] “An archive is a collection of records, preserved and made available for research”. (truy cập ngày 8/8/2023). Link.

[2] Do giới hạn kiến thức và thông tin, người viết chỉ đề cập với những tiến trình nghiên cứu nghệ thuật ở miền Bắc Việt Nam. Rất mong sự bổ trợ khác từ các bạn với hệ thống nghiên cứu mỹ thuật cho phần miền Trung và miền Nam.

[3] https://aaa.org.hk/en/collections/search/archive/salon-natasha-archive (truy cập ngày 8/8/2023).

[4] https://aaa.org.hk/en/collections/search/archive/blue-space-contemporary-art-center-archive (truy cập ngày 8/8/2023).

[5] https://anniejaelkwan.com/category/project/conditions-for-performance-in-cambodia/ (truy cập ngày 10/8/2023).

[6] https://luuchu.com/xin-chao (truy cập ngày 10/8/2023).

[7] https://linktr.ee/anvietarchives (truy cập ngày 10/8/2023).