Một cộng đồng trôi dạt và sự đa cảm của vật liệu

gấu thiên thể phản hồi Nguyễn Thị Thanh Mai trong Chẳng còn, chưa tới

Trích từ video Những quang cảnh đen (2018-2020), video đơn kênh, màu, âm thanh, 00:08:00

“Cá thời nó về núi hết rồi, đừng có mong trở lại cô ơi nhớ mà.

Ơn trên xây khiến đủ điều, tới màn mà tới lớp vậy mà không yên đâu.

Cá mà nó trở lại núi sâu, thì người đà tội quá có đâu được đủ đầy.

Chi bằng phải cầu nguyện ơn trên, trên trời phật pháp chứng minh trong dợ này.

Cho con cầu nguyện hết tâm, cho cá thời trở lại núi sông giúp đời…”

Lời khấn của một bà thầy cúng mù trên Biển Hồ. Trích từ video Những quang cảnh đen

Bài trao đổi được hoàn thành sau buổi gặp gỡ với chị Thanh Mai dưới những bóng cổ thụ của Sài Gòn trên đường Sương Nguyệt Anh. Hình ảnh do gấu thiên thể chụp tại trưng bày Chẳng còn, chưa tới (Bill Nguyễn giám tuyển, Nguyễn Art Foundation tháng 2 đến tháng 6-2023), trừ các trường hợp được chú thích cụ thể.

Trích từ video Ngày qua ngày (20142015), video đơn kênh, màu, âm thanh, 00:58:01

Một cộng đồng trôi dạt

Biên giới là những lằn ranh định hình khuôn dạng lãnh thổ của các quốc gia và đặc biệt dần trở nên ổn định sau Thế Chiến thứ II. Biên giới tự nhiên do sông ngòi hay các dãy núi cao vạch lên, còn biên giới nhân tạo lại là ranh giới kiểu quy ước, vắt mình qua các vùng địa lý, lịch sử và ý niệm.

Ở Miền Bắc Việt Nam những dãy núi hiểm trở phân định vùng đất này với Trung Hoa, nơi Miền Trung có dãy núi dài chia tách rõ rệt với Lào, nhưng ở miền Nam, ranh giới với Campuchia là châu thổ bằng phẳng, những con sông dài chảy qua vùng đất Việt – Cam góp phần tạo thuận lợi cho việc di chuyển dễ dàng qua các biên giới quy ước. Trong bối cảnh đặc thù nơi miền Nam, biên giới hiện diện như những vùng tương tác thay vì là những lằn ranh phân cách, đóng vai trò như những đường dấu mốc báo hiệu điểm tan hoà, để báo cho các cư dân nơi chốn đến đi của họ.

Trong vài thế kỷ trước, cư dân của hai khu vực nay là Campuchia và Việt Nam vẫn di chuyển qua lại tương đối tự do. Xét trong chiều dài lịch sử thì sự dịch chuyển này chỉ thỉnh thoảng bị gián đoạn vì những xung đột giữa các thể chế. Những người định cư ở Biển Hồ di chuyển lên xuống dọc theo dòng chảy của sông Mekong, có khi trở về Việt Nam rồi ngược sông quay lại Campuchia. Các dòng chuyển dịch của họ diễn ra tùy hoàn cảnh lịch sử và kinh tế, dần dần chúng tạo thành một tình trạng gì đó phủ lên họ mãi, một tình trạng trôi dạt.

Thực hành nghệ thuật của Nguyễn Thị Thanh Mai bắt lấy mạch vận động và số mệnh của một cộng đồng di cư giữa hai quốc gia, những người Việt đã đến cư trú tại Biển Hồ và hình thành nên một cộng đồng tương đối cố kết, tuy ngày nay không được công nhận chính thức và đối diện với điều kiện sống bấp bênh. Những dự án nghệ thuật làm về/làm cùng cộng đồng người Việt tại Campuchia được Thanh Mai theo đuổi trong khoảng thời gian một thập niên và đến nay vẫn còn tiếp diễn. Các tác phẩm trong mạch suy tư này được tuyển chọn trong khuôn khổ trưng bày Chẳng còn, chưa tới (2022–2023) do Nguyễn Art Foundation thực hiện.

Thẻ căn cước, in chuyển nhiệt trên vải từ quần áo cũ, 5.7 x 8.1 cm mỗi thẻ (348 thẻ tổng cộng)

Sự đa cảm của vật liệu

Xuyên suốt hành trình sáng tác bền bỉ, Thanh Mai khéo léo sử dụng các vật liệu để gợi mở tự sự những cảnh đời mà chị có duyên hạnh ngộ, để rồi tái hiện những cảnh huống ấy qua các thực hành nghệ thuật. Vật liệu nơi tác phẩm của chị mang sự đa cảm và dường như nối dài hiện hữu của những con người quyến thuộc với chúng… hơn chỉ là những vật chất nền trơ lì vốn chỉ làm nguyên vật liệu cho tác phẩm.

Trước đây các tác phẩm thường được đánh giá dựa trên kết quả sau cùng của quá trình xử lý vật liệu, trong đó các tính chất vật lý như cảm giác bề mặt của đá hoa cương hay toan vải thường bị mài nhẵn hay che lấp đi trong quá trình tạo hình. Trong khi đó nhiều nghệ sĩ đương đại lại tìm thấy cảm hứng chính trong các tính chất (cả vật lý lẫn tinh thần) của vật liệu, tìm kiếm hay gợi mở về sự gắn bó của vật liệu tới các đối tượng hay cộng đồng. Các tính chất của vật liệu có thể khiến ta phải đặt nhiều câu hỏi về lịch sử các vết tích của chúng, hiệu quả trong việc truyền tải thông điệp của tác phẩm, cả mối liên hệ của vật liệu với bối cảnh, và những kết nối/cảm nghiệm mà chúng khơi gợi nơi người xem.

Tiếp cận với thực hành của nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, người xem có thể tìm thấy phổ rộng các vật liệu đa dạng đã được chị tìm tòi khám phá, trong đó chị từng làm việc với tóc, cườm phủ trên dụng cụ khám phụ khoa, gai bồ kết, cà chua, cao su non, khâu vá, nhựa thông,... Trong khuôn khổ các tác phẩm được lựa chọn trưng bày tại Chẳng còn, chưa tới, ta có thể tiếp cận cụ thể hơn vào quá trình suy tư về vật liệu vốn thường trở đi trở lại trong những sáng tác của nghệ sĩ.

Thẻ căn cước

Tác phẩm Thẻ căn cước (2014)

Tác phẩm Thẻ căn cước có thể xem là ví dụ tiêu biểu cho quá trình khai thác tính đa cảm của vật liệu mà Thanh Mai tìm kiếm.

Phiên bản Thẻ căn cước ban đầu được Thanh Mai tạo ra trong dịp lưu trú tại Sa Sa Art Projects (Campuchia) vào năm 2014. Trong quãng thời gian đó, chị đã ghé thăm, ở cùng và chia sẻ trải nghiệm với cộng đồng người gốc Việt sinh sống trên hồ Tonlé Sap. Chứng kiến những khó khăn từ việc không có giấy tờ, Thanh Mai vật chất hoá sự thiếu thốn và ước mong của cộng đồng nơi đây bằng việc tạo ra những thẻ “căn cước giả tưởng”. Dự định ban đầu của chị là mô phỏng khá chính xác mẫu căn cước công dân của Vương quốc Campuchia, đồng thời xoá đi các biểu trưng quyền lực. Những tấm thẻ giả tưởng ấy truyền đạt giấc mơ về đời sống ổn định và được thừa nhận thân thế của người Việt sống ở hồ Tonlé Sap.

Phiên bản thẻ căn cước đầu tiên. Hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Hiện Thẻ căn cước được trưng bày ở Chẳng còn, chưa tới là phiên bản đã được thay đổi nhằm đẩy sâu khả năng kể chuyện và biểu cảm của vật liệu. Thanh Mai có cảm giác phiên bản đầu tiên còn khá “khô cứng" và “thực tế", từ đó chị bắt đầu tìm kiếm giải pháp tăng tính biểu đạt cảm xúc cho tác phẩm. Trong lần trở lại Campuchia, Thanh Mai chú ý đến vẻ đẹp của các bộ trang phục đa sắc mà các bà, các chị ở đấy thường mặc. Vải vóc lưu giữ dấu vết từ những công việc thường ngày như vết dầu ăn hay vụn than bắn lên từ bếp lửa, và như thế vải dung chứa cả ký ức cá nhân. Thanh Mai bắt đầu hỏi xin các mẩu vải từ trang phục cũ và may vá chúng thành những tấm thẻ căn cước, dùng vải để thay thế vật liệu giấy vốn trơ lì và có phần xa cách.

Vải vóc có tính chất mềm mỏng, bề mặt dễ lưu lại những xơ xước, rách mòn; vải vóc còn tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người, có thể thẩm thấu mùi hương của người thân yêu hay hút lấy những giọt mồ hôi từ quá trình lao động, nó gợi nhắc về sự thân thiết của đồ vật với thân thể con người hiệu quả hơn nhiều vật liệu khác. Ký ức có thể dung chứa vào vải vóc và xúc cảm mạnh mẽ cho câu chuyện về căn tính được bộc lộ.

Thẻ căn cước

Dùng vật liệu vải để chế tạo thẻ căn cước khơi gợi những suy tư về mối quan hệ giữa “căn cước” với sự “hiện hữu của con người”. Xét trong hệ thống quản trị thì căn cước gắn chặt với thân thế từng công dân, thậm chí mã số và mô tả kỹ thuật trên căn cước còn là tất cả những gì một hệ thống quản trị có thể biết về một đơn vị người. Còn với những cư dân nơi Biển Hồ, ước mơ về tấm căn cước vừa như mong muốn bản thân được xã hội thừa nhận, để họ được bảo vệ khỏi các yếu tố bất kham của xã hội và thiên nhiên cũng như được hưởng các quyền lợi chỉ dành cho công dân như giáo dục và chăm sóc y tế; và có được tấm thẻ căn cước cũng là ước ao được ghi lại dấu vết của bản thân trong đời – dẫu chỉ là ghi lại trong hệ thống quản trị. Như thế, một số đồ vật vốn duy lý, nặng tính kỹ thuật khô khan như thẻ căn cước có thể trở thành một gợi nhắc nên thơ, cảm động về thân phận. Chính qua việc lựa chọn khai thác các yếu tố đa cảm trong vật liệu tính là vải, Thanh Mai đã dễ dàng kể câu chuyện của người Việt sống trên Biển Hồ với thân phận mỏng manh dễ bị tổn thương. Đồng thời, bằng việc sáng tác bằng vải vóc thu thập từ quá trình làm quen, sống cùng và tin tưởng lẫn nhau, Thanh Mai cũng cho thấy tính đối thoại chân thành giữa nghệ sĩ và cộng động đã được chú ý đến.

Những chuyến đi (2014–2015)

Những chuyến đi (2014–2015)

Rời khỏi vùng nước cùng tình trạng bấp bênh ở Biển Hồ, một số cư dân đã xuôi theo các dòng sông đến Việt Nam với hy vọng được cấp giấy tờ và tìm kiếm điều kiện sống ổn định hơn ở “vùng đất hứa". Thời điểm Thanh Mai gặp gỡ họ ở Long An, nhiều Việt kiều Campuchia đã hồi hương và định cư tại Việt Nam được 20 năm, song vấn đề về giấy tờ của họ vẫn chưa được giải quyết. Một số chọn bám trụ với đất liền, số khác tiếp tục di cư theo dòng nước băng qua biên giới hai nước để tìm kiếm sinh kế, như một người đàn ông đã kể lại trong video Ngày qua ngày (2014–2015). Chuyển dịch giữa một bên là mặt nước rộng lớn – nơi ước mơ có giấy tờ xem chừng bất khả, đến một bên là đất liền – một nơi giấc mơ an cư dù mỏng manh nhưng vẫn gợn lên niềm hy vọng, họ tiếp tục nổi trôi giữa những ước vọng chưa thể thành hình.

Ngay khi bước qua cánh cửa chính dẫn vào Chẳng còn, chưa tới tại Nguyễn Art Foundation, thứ đầu tiên gợi nên ấn tượng là mùi lá khô đượm trong không khí xuất phát từ ngôi nhà lá được tái dựng trong không gian trưng bày. Mặc dù mùi lá có thể là một “sản phẩm phụ" vốn không nằm trong kế hoạch ban đầu, nhưng sự hiện diện của chất liệu này góp phần khơi gợi ký ức về không gian của những ngôi làng Nam Bộ. Ngôi nhà đóng vai trò như phông nền góp phần bộc lộ câu chuyện của cụm ảnh Những chuyến đi. Thanh Mai chia sẻ rằng chính những ngôi nhà lá là những tín hiệu giúp chị tìm đến ngôi làng của cộng đồng Việt Kiều Campuchia hồi hương. “Cô hãy đi dọc theo bờ sông, hễ chỗ nào cô nhìn thấy nhà lá lụp xụp, chỗ đó là nhà của Việt kiều Campuchia”, một người đàn ông đã trả lời Thanh Mai khi chị hỏi tìm đường. Những mái nhà tạm bợ là nơi một cộng đồng đã chờ đợi, tiếp tục hy vọng và không quên trao ước mơ cho con cái họ.

Bước vào gian nhà lá tại trưng bày, người xem bắt gặp một loạt ảnh chụp chân dung đầy màu sắc. Thị giác của loạt ảnh này mô phỏng những bức ảnh chụp thường thấy trong các phòng khách Việt Nam, đa sắc và rực rỡ, chi tiết được cắt cúp và ghép vào nhau để tạo ra những khung cảnh tưởng tượng tươi vui. Nhân vật trong ảnh là những người Việt hồi hương từ Campuchia, lúc bấy giờ đang định cư tại Long An. Thanh Mai chọn cách cộng tác cộng đồng để tạo nên bộ ảnh này. Chị mời một gia đình ở Long An tham gia chụp ảnh, để họ tùy ý chọn khung cảnh mà họ muốn xuất hiện. Có người chọn cảnh biển, có người chọn đứng bên đài phun nước hay những khóm hoa. Người thợ ảnh cắt ghép, sử dụng khuôn mặt của người được chụp để ghép vào những cơ thể và trang phục sẵn có trong kho ảnh, sau đó thêm vào các khung cảnh theo ý muốn mà người được chụp đã đề xuất.

Những khung cảnh trong ảnh biểu thị cho quan điểm về cuộc sống sung túc mà các nhân vật hằng hình dung, những chiếc xe moto, quần áo tươm tất, đến việc tưởng hồ dễ dàng hơn như đưa cả gia đình cùng đi tham quan thành phố… cũng là những điều khó đạt được. Tình thế không giấy tờ buộc họ trú lại ở một địa chỉ tạm bợ và lúc nào cũng chờ đợi được thừa nhận.

Hai cụm tác phẩm Thẻ căn cước và Những chuyến đi được đặt cạnh nhau trong không gian trưng bày, và người xem cũng buộc phải di chuyển giữa hai đối cảnh đó. Một bên là tình trạng bấp bênh trên Biển Hồ, một bên là những giấc mơ dài đằng đẵng. Dù lênh đênh trên mặt nước hay cắm rễ trên đất liền, hai khung cảnh tương phản này vẫn không hứa hẹn một tương lai chung cuộc nào.

Những quang cảnh biến mất (2017-đang tiếp diễn), in UV trên các miếng gỗ tìm thấy

Những quang cảnh biến mất (2017–đang tiếp diễn)

Trong những tháng ngày lưu lại trên Biển Hồ, Thanh Mai thỉnh thoảng chụp lại khung cảnh làng xóm với cảm giác đau đáu rằng những cảnh quang ấy rồi sẽ khuất dạng. Về sau chị đã in những bức ảnh này lên gỗ mục được thu thập từ nhiều nguồn, trong đó đa số đến từ những ngôi nhà hoang trôi dạt vô định trên mặt nước, nay dần bong tróc, chìm sâu dưới đáy nước rồi bị dòng triều cuốn đi khắp nơi.

Các vết tích hư hoại, ẩm mốc còn lại trên bề mặt gỗ tương tác với lớp hình ảnh được in lên chúng và tạo nên tổng thể gợi cảm. Xuyên thấm trong những quang cảnh mờ nhòe bàng bạc cảm giác bị bỏ rơi, cô độc của những người đã rời bỏ cộng đồng và chẳng còn ai biết thêm gì về họ.

Những quang cảnh biến mất

Gỗ là vật liệu chính yếu để xây dựng những ngôi nhà trong ngôi làng của cộng đồng người Việt trên Biển Hồ, và qua đó gỗ cũng có thể sánh ngang với nước trong việc tạo nên quang cảnh mà những ai đã sống và lớn lên ở đây luôn gắn bó và quen thuộc. Và do đó ta có thể hiểu trong ký ức của cộng đồng, thật khó để vẽ lại quang cảnh của ngôi làng người Việt mà không gắn với các đặc tính vật liệu của gỗ hay cảm giác bập bềnh của gỗ trên mặt nước.

Ở đây ta cũng lưu ý đến cách vật liệu trở nên có ý nghĩa trong một quá trình thực hành. Bằng việc nhặt nhạnh những mảnh gỗ mục trôi nổi, Thanh Mai đóng vai trò như một chuyên viên lưu trữ tỉ mỉ thu lượm những dấu vết rạn vỡ vốn là hiện thân của những tồn tại của cư dân nơi ấy. Như ở những tấm thẻ căn cước bằng vải, trong tác phẩm này vật liệu gỗ mục cũng trở thành chủ thể có tiếng nói và trực tiếp biểu hiện khả năng tác động của nó trong việc truyền đi ý niệm và câu chuyện con người.

Những quang cảnh đen (2018-2020)

Những quang cảnh đen (2018–2020)

Biển Hồ Tonlé Sap rộng 2.700 km² vào mùa khô, nở rộng thành 16.000 km² khi mùa mưa đến. Ở tầm mắt con người, không gian nơi đó là vô tận của sóng nước và những đáy sâu thẳm, vậy làm sao cư dân ở đấy có thể tìm thấy và nhận ra sự hiện diện của nhau giữa mênh mông cõi nước? Có lẽ nhờ vào ánh sáng, âm thanh.

Video Những quang cảnh đen tiết lộ những dấu mốc hiện hữu, và thậm chí an ủi sự lo âu và bơ vơ giữa cõi nước của con người sống nơi đây. Đó có thể là thông qua những dấu mốc của thứ ánh sáng xanh từ đèn LED bẫy cá, của tiếng hát kính ngưỡng thiên nhiên và tổ tiên cùng lời thành khẩn kêu gọi đàn cá trở về từ bà thầy cúng. Video này có những tín hiệu của sự sống, thông qua đèn LED xanh giữa đêm tối, lẫn âm thanh vang vang… tất cả không gợi điều kinh dị của hoang vu mà lại như lời chào hỏi và bình yên: đi thêm chút nữa là chỗ có con người, mọi nơi trên mặt hồ con người đều không cô đơn. Âm thanh của bà đồng cũng tiết lộ một đời sống văn hoá đã tự thân hình thành, báo hiệu rằng cộng đồng ở đây có thế giới tinh thần, có tín ngưỡng và có những điều kỳ bí riêng…

Tiếng ca và bài ca phát lên trong video này khá đặc biệt: đầu tiên, âm thanh và giọng nói từ lâu trong tâm thức các dân tộc đã luôn là dấu hiệu để con người nhận ra đồng tộc, điều này quan trọng với những nhóm cư dân thường xuyên du hành trong thiên nhiên rộng lớn. Các bài ca từng có thời được cất lên như phương tiện để an ủi và khích lệ những kẻ đi đường, hoặc để thắt chặt tình cảm cộng đồng như các bài hát lễ hội, sử thi và văn tế. Tiếng ca xưa nhiều khi được sáng tác bởi các thầy cúng, tư tế có nhiệm vụ duy trì các câu chuyện, ước mơ của cộng đồng. Thật thú vị rằng bài ca trong video này cũng được sáng tác và hát bởi một bà thầy cúng sinh ra từ chính cộng đồng người Việt trên Biển Hồ. Người ta tin rằng bà có thể lên đồng và kết nối được tổ tiên và thần thánh trên mặt hồ để giúp sức cho mọi người; trong video, lời tụng gọi cá trở về Biển Hồ cũng có sức mạnh xoa dịu tinh thần cho cả những người đang sống. Như thế, những bài ca của bà đồng đã trở thành một điểm neo trong tâm thức cộng đồng giúp cố kết tinh thần, định hình bản sắc và gợi nhắc về sự thân thuộc của cuộc sống trên mặt hồ vốn đã trở thành một quê hương của họ.

Các video hay phóng sự khác thường tiết lộ đời sống phẳng lặng và bình yên trên mặt hồ, với những âm thanh văng vẳng từ trường học, những tiếng tụng kinh từ chùa chiền lẫn nhà thờ đều đang nổi trên sóng nước. Và “điểm neo đậu", mốc báo hiệu về vị trí cụ thể trên mặt hồ của cộng đồng người Việt chính là những ngôi nhà nổi của hàng xóm kề bên, họ cùng tiến và cùng lùi trước sóng gió và những mùa đổi thay, họ đầm ấm cùng quây quần chiều tà bảo nhau đến giờ cơm và đưa con đi học khi bình minh ghé tới. Và cả trong những mùa nước lên đục ngầu ta tưởng con người sẽ trơ trọi giữa vô tận, thì họ cũng đã học được cách định vị chốn bình yên, chốn thả neo theo cách riêng mình.

Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi dưới những bóng cổ thụ của Sài Gòn, chị Mai kể về ngôi nhà của gia đình chị lưu trú, ngôi nhà nổi ấy luôn neo bên cạnh một cây mưng (lộc vừng). Cái cây này là cột mốc cho họ biết nơi quen thuộc thân thương, biết cả đâu là nơi cửa nhà cần quay về. Những cái cây cũng lớn lên cùng năm tháng họ sống, định vị cả thời gian của đời người, dòng họ. Thậm chí cây mưng này còn gợi nhớ về cây xoài mọc trên sân nhà thuở họ còn ở Việt Nam, về ký ức cố hương. Chị Mai nói mỗi gia đình ở đây có một “cái neo" như thế, neo đậu để tìm được vị trí của mình giữa sự trôi nổi không ngừng… và do đó với những người nơi Biển Hồ, trên mặt nước cũng đầy những điểm mốc nhớ thương.

Khi nói về những cộng đồng yếm thế, ta dễ đi theo khuynh hướng khai thác tận cùng những đau khổ của họ. Còn tác phẩm của Thanh Mai lại có biểu hiện rất nên thơ, không phải để lãng mạn hóa nỗi khổ đau của người khác thành những màn trình diễn thị giác để thỏa mãn tính hiếu kỳ. Thay vào đó tính đa cảm của các tác phẩm mà Thanh Mai chia sẻ phải chăng còn dâng lên những điều khác về đời sống đa dạng của con người. Dẫu đó có là cuộc sống luôn đối diện trước gian truân, thì cuộc đời họ vẫn hàm chứa những cung bậc khóc – cười, đau khổ và hạnh phúc, và cả niềm vui mừng nhận ra một dấu mốc thông báo cho họ “đây là nhà".

Ngày qua ngày (2014-2015)

Đợi chờ dai dẳng

Sự chảy trôi của thời gian mang tính tương đối tùy thuộc vào cảm nhận và bối cảnh ở từng cá nhân, cộng đồng. Thời gian có thể được cảm giác như dòng chảy đẩy mọi thứ liên tục tiến về phía trước, tuyến tính, rành mạch và chắc chắn luôn dẫn về tương lai. Song đôi lúc, thời gian có khi cũng dùng dằng chẳng đặng. Thời gian có thể bị mắc kẹt trong mạng lưới của sự đợi chờ dai dẳng, trước sự lưỡng nan người ta khó có thể quyết định hay lựa chọn  một điều gì, ở đó thời gian bị kéo dãn trong bức bối.

Xuyên suốt trong những tác phẩm với kỹ thuật và chất liệu đa dạng, Thanh Mai khéo léo bộc lộ cảm giác mỏi mòn mà chị đã có duyên cùng trải qua với cộng đồng người Việt ở Biển Hồ. Năm dài tháng rộng, không gian mênh mông và thời gian thì dùng dằng.

Thanh Mai chia sẻ: “Có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này dưới các quan điểm chính trị, kinh tế và xã hội. Nhưng những ngày sống ở ngôi làng ấy, tôi chỉ nhìn thấy những đứa trẻ không có tương lai, chỉ nghe thấy những câu chuyện về sức mạnh của những kẻ nắm giữ đồng tiền và quyền lực. ‘Ngày qua ngày’, đó là từ tôi được nghe nhiều nhất ở đó; nó vẽ nên tương lai của chính họ”.

Trong các cuộc trò chuyện, Thanh Mai thường nhắc lại rằng chị không phải là nhà nghiên cứu. Các dự án của chị thường không bắt đầu từ những xuất phát điểm mang tính lý thuyết và chiến lược, thay vào đó thường bắt đầu với sự chân thành muốn được gặp gỡ, lắng nghe, san sẻ và kể lại những câu chuyện. Song trong thực tế, con đường mà chị theo đuổi đến nay lại cho thấy sự nhập ranh các sáng tác của chị vào những phương pháp nghiên cứu đã được xác lập, dẫu Thanh Mai chỉ bắt đầu sự thực hành nghệ thuật bằng chính sự dấn thân và chân thành của một nghệ sĩ luôn quan tâm bền bỉ tới cộng đồng. 

Chia sẻ được trích dẫn bên trên cho thấy Thanh Mai đã suy tư thật gần với ngành nhân học, một ngành nghiên cứu được xây dựng dựa trên những dữ liệu dân tộc chí và coi trọng các trải nghiệm thực địa tỉ mỉ, ngày qua ngày cùng ở, cùng làm và chứng kiến những khoảnh khắc thường ngày nơi đời sống cộng đồng. Chính vì ở cùng và chứng kiến từ trong cuộc, hình dung về con người nơi tác phẩm của chị không còn là những mô tả kỹ thuật chính xác, biểu đạt nghệ thuật của Thanh Mai gợi mở những điểm nhìn vi mô về các vấn đề xã hội, nói về con người trong sự đa dạng với những nỗi khổ cực, niềm hạnh phúc, cảm giác đợi chờ mòn mỏi và cả niềm tin bền bỉ. Cách kể chuyện khéo léo bằng sự đan kết của các vật liệu đa cảm, dù đó là vải vóc, ảnh chụp, gỗ mục hay ánh sáng, đã khơi mở những gợi cảm xúc động về đời sống của các cộng đồng.

Cũng trong những bài viết và buổi nói chuyện, Thanh Mai chia sẻ rằng càng làm nghệ thuật gắn với cộng đồng và bối cảnh xã hội, trong chị càng chất nặng thêm những suy tư đau đáu về nghệ thuật. Liệu nghệ thuật vẫn cứ phù phiếm hay có khả năng mang lại những lợi ích trong thực tế? Thực tình mà nói, câu hỏi này cũng khiến những nhà nghiên cứu khoa học xã hội trầm ngâm không kém. Trong thực tế các nỗ lực, dù là dự án nghệ thuật hay dự án nghiên cứu gắn với cộng đồng vẫn thường không mang lại những thay đổi ngay lập tức.

Bóng đen (2014) mực trên ảnh in kỹ thuật số C-type (8 bức tổng cộng)

Song xuyên suốt lịch sử nghệ thuật, sự có mặt của nghệ thuật và nghệ sĩ là thực sự cần thiết để duy trì hy vọng. Bởi dẫu nghệ thuật có nhiều tiền thân, nó có thể xuất phát từ những bài ca của cộng đồng, nghi lễ tinh thần, giấc mơ… thì điểm chung nhất của tất cả nguồn gốc khởi sự cho nghệ thuật đều tiết lộ nghệ thuật là cái neo để giữ lại ký ức, sự đa cảm về hiện hữu của con người. Vì vậy gấu thiên thể tin rằng ít nhất nỗ lực, kiên trì của những nghệ sĩ đã là một trong rất nhiều cách mà con người đã truyền cho nhau để giữ lại hy vọng cho ngày sau.

Hiếu Y & Vương An Nguyên

Vào ngày 27-05-2023, gấu thiên thể đã cùng Nguyễn Art Foundation tổ chức một chuyến đi trong không gian triển lãm Vẫn còn, chưa tới, mời gọi người xem tham dự vào những cuộc trò chuyện về cộng đồng, tính chất của vật liệu và mối quan hệ, cảm nghiệm từ chính họ với các tác phẩm chị nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai. Thiết kế: Nhật Võ

Bài viết liên quan

Gỡ rối #1, ta nhìn thấy sự phơi bày trải nghiệm làm một tồn tại đàn bà trong trường xã hội, trong những lời nguyền ám thị phải làm người đàn bà.

Bản đồ mẹ của Hà Ninh gợi tả những “thực tại" trong những xứ sở truyền cảm hứng sáng tạo và xây dựng tuổi thơ của nhiều thế hệ.