Những vùng tóc đen miên man trong tác phẩm của Nguyễn Thị Thanh Mai

Hình ảnh do gấu thiên thể chụp tại triển lãm Phổ Hiếu Kỳ, Nguyen Art Foundation, 2022.

Đây là sắc tối, dựng lên như núi, thoai thoải như cát chảy, như đường viền biển và như đường kẻ để vẽ nên hình dáng con người mờ nhoè trong sương mù trắng đẫm. Tất cả chúng được tạo nên từ những sợi tơ vụn của tóc.

Tóc là một ám thị dài lâu cho thân phận và thân thể đàn bà, của tính nữ, của cuộc hiện sinh và trải nghiệm làm một người đàn bà trước quan hệ với xã hội người lẫn các tác động tàn phai từ tự nhiên. Tóc mỏng manh dễ bị tổn hại, tóc rối ren cùng theo suy nghĩ, tóc đôi khi quên chải chuốt. Tóc là ẩn dụ cho tồn tại của “đàn bà”, một tồn tại đứng trước thể lưỡng nan vừa khát sống tự do, vừa chịu một lời nguyền nguyên thuỷ là phải làm đàn bà. Lời nguyền tồn tại trước khi họ sinh ra, sinh ra với giới tính sinh học nữ là nghiễm nhiên bị xã hội áp chế làm vướng vào tơ trói “đàn bà". Tơ trói ấy gán phận sống của họ vào các việc phải xinh đẹp, chải chuốt, phải mỏng manh dễ bị tổn hại, phải yêu thương, phụng sự gia đình... Và dường như để đáp trả “lời nguyền khởi thuỷ” đó, Nguyễn Thị Thanh Mai đã tự cắt vụn mái tóc, cắt tan trói buộc ám thị đàn bà ngụ trong kiếp tóc.

Tóc là một phần thân thân thể, thân thể là cái trình hiện ra giữa đời sống, cái để con người trải nghiệm và phản ứng với thế gian. Khi Nguyễn Thanh Mai trình bày “Gỡ rối #1” gồm 9 bức ảnh, ta mường tượng những xao xác của gió làm dồn nén những khối hình của tóc rối ren. Tác phẩm cũng như một thể nghiệm và cố gắng nắm bắt những ý niệm đơn thuần nhất về sự mất mát dần thân thể trong đời sống vô tận, đặc biệt là đời sống phải làm đàn bà. Tóc là trường ẩn dụ với thân thể đàn bà, kiếp sống đàn bà, sự gợi d.ụ.c của kiếp đàn bà và cũng như sự mỏng manh dễ dàng bị tổn thương xâm hại. Một thể nghiệm mới về vật liệu sáng tạo (materiality), ở đây cụ thể là sáng tạo bằng một phần thân thể và thời gian sống chắt chiu của nghệ sĩ… tóc là thứ vật liệu lớn lên cùng tồn tại và kiếp sống thân phận đàn bà của Nguyễn Thị Thanh Mai.

Gỡ rối #1, ta nhìn thấy sự phơi bày trải nghiệm làm một tồn tại đàn bà trong trường xã hội, trong những lời nguyền ám thị phải làm người đàn bà. Nhưng như chính tên tác phẩm, sự rối ren này là từ đâu và sẽ về đâu? Ta chưa biết… ẩn dụ bắt đầu từ số 1, ta chờ đợi những khả thể tự do mới trong các con số đếm sau cho “đàn bà" vậy.


“Tóc mai sợi vắn sợi dài,

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm"


Ca dao Việt Nam đã từng được Phạm Duy lấy làm cảm hứng phổ nhạc… cho một nối dài ẩn dụ về tóc và tương liên quan hệ hiện hữu của thân phận đàn bà, của tổn thương.

Vương An Nguyên

Bài viết liên quan

Nghệ sĩ Dinh Q. Le bày ra một gian hàng với đồ chơi và quần áo trẻ em đầy màu sắc. Khi đến gần hơn, người xem bắt đầu nhận thấy những chi tiết kỳ lạ và khó chịu: những chiếc áo trẻ em có hai cổ, búp bê có hai đầu và núm vú cao su cũng có hai đầu.

Khác với một tác phẩm nghệ thuật tĩnh, sắp đặt của Lê Hiền Minh là sự liên tục trở thành một cái gì đó khác, nó biến động không ngừng khi người xem tiếp tục bổ sung những mảnh ghi chú lên bức tượng...