Da cam - Khi tri thức vượt ngoài tầm kiểm soát

Hình ảnh từ Sàn Art.

Hiếu kỳ là một đặc tính cố hữu của con người, là động lực đẩy con người ra khỏi ranh giới an toàn để dong bè ra đại dương, vươn tới những vùng đất đầy hiểm nguy nhưng cũng lấp lánh kỳ quan và huyền thoại làm mê hoặc tâm trí con người.

Hiếu kỳ hay sự tò mò cũng là một cổ mẫu (archetype) của các hệ thống thần thoại trên thế giới, trong số đó có câu chuyện nổi tiếng về nàng Pandora. Vì không nén nổi tính hiếu kỳ, Pandora đã mở chiếc hộp bí mật của thần Zeus và thả ra những sức mạnh vượt ngoài tầm kiểm soát. Từ trong chiếc hộp thoát ra muôn vàn tri thức lẫn nỗi khổ đau ám ảnh con người. Tính hiếu kỳ của Pandora đã trở thành “lời nguyền" cho nhân loại. Con người khao khát hiểu biết, chiếm hữu những sức mạnh to lớn, liên tục hiện thực hóa những giấc mơ để rồi chúng vượt ngoài mọi dự đoán và khả năng giải quyết của con người.

Pandora cùng chiếc hộp. Tranh của Dante Gabriel Rossetti, 1871. Nguồn: Creative Commons.

Câu chuyện cổ xưa về chiếc hộp Pandora lại trở về trong thời hiện đại. Khởi đi từ tâm thế lạc quan của Thời kỳ Khai Sáng (Enlightened Age), nhân loại nhận thấy họ đang hướng về một tương lai vô cùng tươi sáng khi thành quả khoa học hứa hẹn mang lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp, giải quyết những bất lực của thời đại và đưa họ đến một địa đàng trên trần thế đúng nghĩa. “Phát triển” trở thành cụm từ cửa miệng của những nhà hoạch định chính sách hàng đầu trên thế giới.

Thế rồi giọng điệu lạc quan về “phát triển” bắt đầu lắng xuống khi những thành tựu khoa học vốn được kỳ vọng giúp cho thế giới tốt đẹp hơn đã trở lại hủy hoại thế giới. Con người đối diện với những thảm họa về môi trường và đạo đức, thấy giống loài của mình ngày càng tách khỏi tự nhiên và chật vật xử lý những khủng hoảng do chính mình tạo nên. Chính trong bối cảnh đó, con người bắt đầu tự chất vấn rằng liệu tri thức chỉ đem lại “phát triển” hay ẩn sau đó còn muôn vàn mối đe dọa vượt ngoài tầm tiên liệu của con người (?).

Hình ảnh tác phẩm trong khuôn khổ triển lãm Phổ Hiếu Kỳ, thuộc Nguyen Art Foundation.

Năm 1998, hơn một thập niên sau khi Việt Nam mở cửa, “phát triển” vẫn là cụm từ được yêu thích và chi phối cách xã hội tư duy về khoa học. Trung tâm thương mại bắt đầu mọc lên như những biểu tượng mới về phát triển. Hiện thân cho đời sống đủ đầy như Trung tâm Thương mại Sài Gòn là địa điểm lý tưởng để nghệ sĩ Dinh Q. Le đặt ra những chất vấn về giới hạn của tri thức loài người. Anh đã bày ra một gian hàng với đồ chơi và quần áo trẻ em đầy màu sắc.

Xem lướt qua thì những món hàng này cũng giống như mọi đồ vật được bàn bán xung quanh, những đồ vật bằng nhựa và sợi nylon rẻ tiền, được sản xuất hàng loạt và tiện dụng. Khi dừng lại để quan sát gần hơn, người xem chợt nhận thấy những chi tiết kỳ lạ và khó chịu: những chiếc áo trẻ em có hai cổ, búp bê có hai đầu và núm vú cao su cũng có hai đầu. Một số chỉ đơn giản bỏ đi, một số dừng lại để trò chuyện và khi đó thảo luận về những điều chưa được nói bắt đầu mở rộng.

Những món đồ chơi kỳ lạ này chứa đựng câu chuyện nào đằng sau chúng? Hình ảnh thuộc về nghệ sĩ.

Bộ tác phẩm được kể trên, mang tên “Damaged Gene” (1998) của Dinh Q. Le đề cập đến hậu quả của chất độc màu da cam lên các thế hệ thường dân Việt Nam. Dự án này mang tính “tiên tri” vì đã thảo luận một chủ đề chưa được nói nhiều vào thời điểm ấy, trước cả khi các cáo buộc hướng tới các công ty hóa chất Mỹ thu hút dư luận quốc tế.

Tiện nghi cũng chính là khi ta quyết định dẹp bỏ những quang cảnh không “đẹp mắt” và tự cảm thấy hài lòng trong sự đủ đầy mà đời sống hiện đại mang lại. “Damaged Gene” lựa chọn một giải pháp thị giác nhẹ nhàng (ở bề mặt) để kể về những thân phận chịu nhiều thương tổn, không có tiếng nói và bị đặt ngoài lề của diễn ngôn về phát triển. Trong buổi chia sẻ vào ngày 15/9/2022 tại Nguyen Art Foundation, nghệ sĩ cho biết tại thời điểm anh thực hiện dự án, Việt Nam hoàn toàn không có cơ sở vật chất để tổ chức triển lãm nghệ thuật. Thay vì tạo ra một triển lãm trong phòng trắng, Dinh Q. Le thực hiện dự án như một thử nghiệm xã hội, đặt đồ chơi và quần áo giữa trung tâm thương mại để người dân cùng xem xét, thảo luận hoặc phớt lờ. Chính nhờ thế, dự án khởi sinh từ những tương tác của đời sống thực thay vì đưa ra những bình luận lãnh đạm về lịch sử và nỗi đau của con người.

Dinh Q. Le trở lại với chủ đề Chất độc Da cam nhiều lần. Năm 2019, anh thực hiện một bộ tác phẩm mới với tựa đề "Pure Land" để thảo luận về Chất độc Da cam trong bối cảnh xã hội đương đại. Hình ảnh: Tang Contemporary Art Bangkok.

Khi dừng lại ngắm nhìn và thảo luận, người xem bắt đầu nhận thấy sức nặng trì kéo đằng sau những đồ vật bình thường như đồ chơi, quần áo và núm vú cao su. Khoa học đã phát triển để mang đến sự tiện dụng cho con người. Trong chiến tranh, hóa chất là một giải pháp gọn nhẹ, người lính có thể tỉa sạch những cánh rừng nhiệt đới đầy chướng khí chỉ với một lần bấm nút từ trên cao. Con người hoàn toàn có thể chinh phục tự nhiên, nhanh chóng dẹp bỏ trở ngại để bắt thiên nhiên phục tùng, nhưng chính trong sự tự cao đó bắt đầu bộc lộ những hậu quả không thể đảo ngược. Chất độc ngấm vào những người dân trông nhỏ như đàn kiến khi nhìn từ cửa sổ máy bay, bắt đầu hủy hoại mã gen và để lại những dị dạng không thể phục hồi.

Bấm nút hủy diệt từ cửa sổ máy bay cũng giống cách tiếp cận lịch sử phổ biến: lịch sử được xem như những vận động vĩ mô với những người hùng, chiến thắng và thất bại, còn thân phận con người thì xa xôi và bé nhỏ bởi họ bị khuất lấp trong những cánh rừng, ẩn dưới những mái lều trong làng mạc và dễ dàng bị quy thành con số “hàng triệu dân thường”. Tiếp cận của Dinh Q. Le đã bỏ qua một bên câu chuyện lớn của lịch sử để đến với những thân phận nhỏ bé, những đứa trẻ sinh ra cùng tật nguyền không sao cứu vãn được.

Từ cửa sổ máy bay, cảnh quan trở nên tuyệt đối, còn con người thì trở thành những vết chấm bé nhỏ và nỗi đau của họ trở nên vô hình. Cũng như việc bấm nút hủy diệt từ máy bay, lịch sử từ điểm nhìn tuyệt đối biến thân phận và nỗi khổ đau của con người trở thành số liệu khuất lấp đằng sau sự vĩ đại. Hình ảnh: Chiến tranh Việt Nam năm 1969, Tim Page.

Cũng như chiếc hộp Pandora, con người say sưa thỏa mãn tính hiếu kỳ và kích hoạt những năng lực mà chính họ không thể kiểm soát và khắc phục. Điều đáng tiếc là quan niệm lạc quan về phát triển vẫn chi phối hầu hết thảo luận về khoa học và hoạch định hiện đại. 24 năm trôi qua kể từ khi Dinh Q. Le bày gian hàng ở Trung tâm Thương mại Sài Gòn, trung tâm nay đã biến mất và những “món hàng” của Dinh. Q. Le cũng đã trở thành tác phẩm được lưu trữ và trưng bày trong hộp trắng. Những trung tâm mới mọc lên, sự phát triển được nâng tầm và nỗi ưu tư trở thành tiếng nói yếu ớt chìm vào sau bộ mặt tiện nghi của đời sống hiện đại đủ đầy.

Nguồn ảnh: Fineartbiblio

Bài viết được Hiếu Y triển khai

từ gợi ý về cổ mẫu "chiếc hộp Pandora" từ Vương An Nguyên

Bài viết liên quan

Gỡ rối #1, ta nhìn thấy sự phơi bày trải nghiệm làm một tồn tại đàn bà trong trường xã hội, trong những lời nguyền ám thị phải làm người đàn bà.

Bản đồ mẹ của Hà Ninh Phạm gợi tả lại những “thực tại" được trong những xứ sở đã truyền cảm hứng sáng tạo và xây dựng tuổi thơ của nhiều thế hệ.

Xuyên suốt hành trình sáng tác bền bỉ, Thanh Mai khéo léo sử dụng các vật liệu để gợi mở tự sự những cảnh đời mà chị có duyên hạnh ngộ, để rồi tái hiện những cảnh huống ấy qua các thực hành nghệ thuật. Vật liệu nơi tác phẩm của chị mang sự đa cảm và dường như nối dài hiện hữu của những con người quyến thuộc với chúng…

Khác với một tác phẩm nghệ thuật tĩnh, sắp đặt của Lê Hiền Minh là sự liên tục trở thành một cái gì đó khác, nó biến động không ngừng khi người xem tiếp tục bổ sung những mảnh ghi chú lên bức tượng...