Vũ trụ - Trật tự đối diện sự vô hạn của tưởng tượng

Hà Ninh Phạm. [mothermap], graphite, watercolor, ink on paper, 97x136cm, 2021. Hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp và thuộc về nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Hà Ninh Phạm vừa giới thiệu một tác phẩm video game mang tên Viện Khoảng Cách. Với sáng tác này, anh bỏ qua những chất liệu quen thuộc như toan và màu vẽ và quyết định sử dụng ngôn ngữ lập trình, các tùy chọn mang tính nhân quả để tạo ra một trải nghiệm nhập vai cho người xem nghệ thuật. Người chơi được dự phần vào một kiếp sống khác và tự do thay đổi thế giới (ít nhất trong giới hạn của lập trình), đưa ra những quyết định dẫn họ đi sâu vào những cảnh huống phát triển theo dòng thời gian và không gian của game.

Hà Ninh Phạm. [Institute of Distance - Videogame Limited Edition Box Set], colored pencil, ink and graphite on paper mounted on MDF box, acrylic marker on inkjet print, mounted on 2.5” SSD Flash Hard Disk, 21x14x7.

Hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp và thuộc về nghệ sĩ.

Video game của Hà Ninh ra đời từ tổng thể dự án Đất Mình (My Land) mà anh triển khai từ năm 2017. Đất Mình diễn họa những bản đồ còn nở rộng ra mãi trong sắc trắng nguyên thuỷ. Trong game này người chơi như lạc vào trạng thái thôi miên khi để mắt mình tự do rong chơi trong thế giới vô vàn chi tiết sinh ra từ trí tưởng tượng của Hà Ninh. Và đến năm 2020, khi số lượng bản đồ đã chạm mốc 30, Hà Ninh nhận ra trò chơi vẽ bản đồ của anh đã biến thành một dự án xây dựng thế giới. Anh tiếp tục tạo ra nhiều hiện vật và câu chuyện cho cõi mộng tượng này, rồi xâu chuỗi các quy luật và trải nghiệm bằng một tương tác video game.

Trò chơi của Hà Ninh mở ra những thực tại khác, nơi có những vùng đất diệu kỳ nằm ngoài quy luật mà lý trí con người từng biết trong thế gian thường nhật. Con người hiện đại đang dần coi nhẹ những trải nghiệm mà viễn mộng đem lại, phân chia quá rạch ròi giữa thế giới có thực và những câu chuyện trong mơ tưởng. Các thực hành nghệ thuật của Hà Ninh được triển khai để hoài nghi về cái gọi là thực tại ấy. Đồng thời anh cũng khơi gợi niềm hân hoan thuở xa xưa khi con người được thỏa sức chia sẻ các thế giới tưởng tượng và tuỳ ý dựng nên hình ảnh, trải nghiệm về những chân trời viễn mộng vốn chỉ được tường thuật lại từ lời kể của những kẻ lữ hành lãng du.


Niềm tin và sự đánh mất niềm tin là ý tưởng then chốt khi Hà Ninh dựng nên thế giới của anh. Hà Ninh chia sẻ: "Việc bị niềm tin phản bội là một trải nghiệm sâu sắc. Chúng ta tin vào một điều gì đó cho đến khi không còn tin được nữa. Có những lúc niềm tin lớn đến nỗi khi đổ vỡ, nó cũng làm suy sụp cả cách chúng ta nhìn nhận về bản thân. Chúng ta sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về bản ngã, mà khi đặt câu hỏi thì chúng ta thiết lập một khoảng cách với nó, chính là cái vai diễn mà chúng ta đã diễn." Niềm tin, sự phản bội và tự vấn về bản ngã là kinh nghiệm giúp anh tạo dựng nên trải nghiệm nhập vai cho những ai bước vào Viện Khoảng Cách.

Vẽ là một thao tác thiên về thủ công, trong khi thiết kế game đòi hỏi nhiều kỹ năng mang tính kỹ thuật. Với Hà Ninh, hai thực hành này không tương phản mà bổ trợ cho nhau, đặc biệt khi các nghệ sĩ thị giác phải thường xuyên phối hợp nhiều chất liệu và kỹ thuật trong quá trình sáng tác. Cả vẽ và làm game đều là trò chơi của hình ảnh mà nghệ sĩ hiện thực hoá ra trước mắt công chúng. Còn khi xét về kỹ thuật, vẽ bản đồ cần kỹ năng hội họa để tạo ra thành quả thị giác phù hợp nhất, đồng thời cũng đòi hỏi khả năng tính toán, đo đạc và thiết kế quy luật. Khi làm game, Hà Ninh thiết kế gameplay và viết code, nhận sự trợ giúp từ kỹ sư phần mềm và người thiết kế pixel art. Là một nghệ sĩ làm việc trong thế giới trực tuyến, học hỏi các kỹ năng đa dạng và phối hợp chúng trong công việc là một đòi hỏi thiết yếu, và Hà Ninh cảm thấy thoải mái khi dịch chuyển giữa các lằn ranh giữa thủ công và công nghệ.

Hà Ninh Phạm. S1 meteor generator, 40x32x15cm, painted wood and compass, 2019. Hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp và thuộc về nghệ sĩ.

Video game hàm chứa khả năng chứa đựng cũng như triển khai những giá trị thẩm mỹ, đồng thời hoàn toàn có thể trở thành “vùng đất sáng tạo mới" giúp mở rộng và hiện thực hóa cõi mộng của con người. Những dự án nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của video game vẫn là những "dự án dang dở", nên trong quá trình thể nghiệm chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra những kích thích cho trí tò mò và niềm vui tưởng tượng ở người thưởng lãm.

Bài viết liên quan

Nghệ sĩ Dinh Q. Le bày ra một gian hàng với đồ chơi và quần áo trẻ em đầy màu sắc. Khi đến gần hơn, người xem bắt đầu nhận thấy những chi tiết kỳ lạ và khó chịu: những chiếc áo trẻ em có hai cổ, búp bê có hai đầu và núm vú cao su cũng có hai đầu.

Khác với một tác phẩm nghệ thuật tĩnh, sắp đặt của Lê Hiền Minh là sự liên tục trở thành một cái gì đó khác, nó biến động không ngừng khi người xem tiếp tục bổ sung những mảnh ghi chú lên bức tượng...