Các Thánh của Kỳ Vọng: đa thanh trong cách tri nhận về giới nữ

Tác phẩm “Các thánh của kỳ vọng” của Lê Hiền Minh trong triển lãm Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên, tại The Factory Contemporary Arts Center, năm 2021.  Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.

Thảo luận truyền thống về giới thường đi kèm với các tuyên ngôn đạo đức mang tính định đặt từ hệ thống tinh hoa, những người nắm giữ khả năng kiểm soát diễn ngôn về khái niệm phụ nữ và đức hạnh đáng kỳ vọng từ phụ nữ. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động phụ nữ theo đuổi bốn phẩm chất đạo đức được xem như một mẫu hình phụ nữ chuẩn mực, đó là “Tự tin - Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”. Báo Thanh Hóa viết vào ngày 22/03/2021 như sau: “[bốn phẩm chất kể trên] là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội.” Diễn ngôn trong văn bản này là một ví dụ trong số các văn bản có tính hướng dẫn đạo đức đã được phát hành và trở thành khuôn mẫu định đặt đối với phụ nữ trong xã hội đương đại.

Các nghệ sĩ đương đại đã đề xuất ra những phương thức khác để mời gọi cộng đồng suy tư về kỳ vọng giới. Thay vì đưa ra những tiêu chuẩn về đức hạnh, các nghệ sĩ đặt ra những câu hỏi mở (open-ended) để từ đó người xem tác phẩm bắt đầu hành trình truy tìm của riêng họ.

Đến với triển lãm nhóm “Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên” tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Factory (Thành phố Hồ Chí Minh) từ tháng Ba đến tháng Sáu năm 2021, người tham dự tiếp cận với cụm tác phẩm “Các Thánh Của Kỳ Vọng” của nghệ sĩ Lê Hiền Minh. Trải trên mặt sàn bê tông của trung tâm nghệ thuật là ba bức tượng thánh mẫu màu gỗ nâu, gợi liên tưởng đến những bức tượng Mẫu trong tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam.

Hình ảnh: lehienminh.com

Hình ảnh: lehienminh.com

Hình ảnh: lehienminh.com

Quan sát thêm một lần nữa, người xem nhận thấy có điều gì đó khác thường ở những bức tượng thánh mẫu này: một tháng mẫu được đặt trên chiếc tràng kỷ, một vị được đặt trên một chiếc máy giặt và vị còn lại ngự trị trên một chiếc bồn rửa chén bát; một sự lai tạp hiện ra. Ánh sáng dẫn người xem hướng mắt về một cụm câu hỏi được vẽ bằng sơn trên tường: “Phụ nữ là ai? Phụ nữ là gì? Phụ nữ ở đâu? Tại sao là phụ nữ? Khi nào là phụ nữ?”

Sự nhiễu loạn thông tin và hình ảnh đòi hỏi người xem một vài khoảnh khắc để bắt đầu xử lý sự lai tạp này. Cạnh bên, nghệ sĩ cung cấp cho người tham dự những mảnh giấy dó và bút chì, kèm theo hướng dẫn rằng họ có thể trả lời những câu hỏi trên tường, sau đó họ có thể thoải mái thả các tấm giấy này vào trong các tác phẩm nghệ thuật nằm trong sắp đặt. Lúc này, cụm tác phẩm hiện lên như một sự chất vấn và kêu gọi đối thoại từ phía người tham dự.

Hình ảnh: lehienminh.com

Trước Những thánh của kỳ vọng, nghệ sĩ Lê Hiền Minh từng thực hiện các dự án nghệ thuật khác cũng có sự bình luận về tính nữ và tương tác với các nhóm khác giả đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Qua các dự án của mình, nghệ sĩ tạo ra những tình huống để người tham dự đóng góp cách nhìn của họ về phụ nữ, bằng cách đặt ra câu hỏi và mời gọi người tham dự cùng trả lời. Tôi thực hiện quan sát trong không gian triển lãm năm 2021 và chú ý đến cách người xem tương tác với tác phẩm. Ban đầu, họ di chuyển vòng quanh các bức tượng và ngắm nhìn tạo hình của chúng như những tác phẩm điêu khắc truyền thống. Một số người chú ý đến các câu hỏi trên tường và dừng lại trong khoảng một phút như thể suy nghĩ về những câu hỏi này. Họ nhận thấy khu vực đặt các tấm giấy dó trắng và đọc chỉ dẫn tham gia trả lời câu hỏi, một số viết lên các mảnh giấy, một số trở lại với các bức tượng và bắt đầu đọc các câu trả lời đã được viết ra trước đó và được bỏ vào bên trong lòng máy giặt. Họ thậm chí còn mang một vài câu trả lời có sẵn đến bên kệ viết và bắt đầu điền vào câu trả lời của mình. Khi đọc các mảnh ghi chú này, tôi nhận thấy những người xem đã tranh luận với nhau và đưa ra những góc nhìn đa dạng, đôi khi mâu thuẫn và có tính tranh luận lẫn nhau về phụ nữ và tính nữ.

Hình ảnh: lehienminh.com

Khác với một tác phẩm nghệ thuật tĩnh, sắp đặt của Lê Hiền Minh là sự liên tục trở thành một cái gì đó khác, nó biến động không ngừng khi người xem tiếp tục bổ sung những mảnh ghi chú lên bức tượng. Nghệ sĩ đóng vai trò là người khơi gợi ra suy nghĩ, và khán giả tạo ra ý nghĩa cho tác phẩm thông qua việc đóng góp tranh luận của họ. Điều này tạo ra một sự kiện tranh luận đa thanh, trong đó người xem đưa ra những góc nhìn khác nhau về nữ giới, thậm chí người đến sau có thể thách thức quan điểm của người đến trước bằng cách ghi đè lên tờ giấy. Tác phẩm được phát triển cùng với cộng đồng khi họ đưa ra các lập luận chất vấn về tính nữ, và tự sự cá nhân của nghệ sĩ trở thành một tự sự tập thể thông qua tranh luận. Các tranh luận này giải tỏa trạng thái độc tôn và định đặt của các diễn ngôn về đạo đức liên quan đến giới, tạo ra một khả năng khác cho phép tồn tại sự đa dạng trong việc tri nhận, trải nghiệm và tạo nghĩa trong xã hội đương đại.

Hiếu Y

Bài viết liên quan

Gỡ rối #1, ta nhìn thấy sự phơi bày trải nghiệm làm một tồn tại đàn bà trong trường xã hội, trong những lời nguyền ám thị phải làm người đàn bà.

Bản đồ mẹ của Hà Ninh Phạm gợi tả lại những “thực tại" được trong những xứ sở đã truyền cảm hứng sáng tạo và xây dựng tuổi thơ của nhiều thế hệ.