gấu thiên thể trò chuyện với Heritage Space /art archiving/ P2

Dự án Vietnam Contemporary Art Database (Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam) được Heritage Space khởi xướng từ năm 2020. gấu thiên thể trò chuyện với anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Heritage Space, để hiểu thêm về hoạt động lưu trữ nghệ thuật (art archiving) và vai trò của nó trong bối cảnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cuộc trò chuyện là một phần trong chuỗi nội dung “Trong nghệ thuật có nghề gì?” của gấu thiên thể, một nỗ lực nhằm tìm hiểu các vai trò khác nhau trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

[gấu thiên thể]

Dự án Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam trở thành một nguồn tư liệu hữu ích cho việc tìm hiểu về nghệ thuật. Ý tưởng về một kho lưu trữ nghệ thuật về Việt Nam đến từ đâu và đội ngũ đã hiện thực hóa nó như thế nào?


[Nguyễn Anh Tuấn - Heritage Space]

Ý tưởng về một bộ lưu trữ dành cho nghệ thuật đương đại xuất phát đầu tiên từ cá nhân tôi trong những năm tháng đang làm việc tại Viện Mỹ thuật (Hà Nội), một cơ sở nghiên cứu chính thống của nhà nước về mỹ thuật. Đây là một viện nghiên cứu được thành lập vào thập niên 1960, và là nơi công tác của những nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật nổi tiếng các thế hệ trước Đổi mới của Việt Nam như họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi và đặc biệt là nhà phê bình Thái Bá Vân. Phương pháp nghiên cứu và lưu trữ của Viện chịu ảnh hưởng lớn từ mô hình Viện Viễn Đông Bác Cổ của người Pháp, Liên Xô và sau này là một số nước Đông Âu như Phần Lan, Thụy Điển. Lưu trữ nghệ thuật trong nước từ những giai đoạn trong quá khứ: Tiền sử, các giai đoạn phong kiến, Cận đại và Hiện đại được bắt đầu với những phương tiện và phương pháp phổ thông của nghiên cứu xã hội học: điền dã, khảo tả, đạc họa, tư liệu ảnh, bản vẽ, bản rập và những ghi chép hay phỏng vấn ghi âm, sau này xuất hiện thêm băng từ cho lưu trữ hình ảnh động.

Đầu những năm 2000 khi mới bắt đầu được nhận vào làm việc tại đây, một trong những công việc tôi làm đầu tiên là thu thập và xử lý tư liệu nghệ thuật: ghi chép điền dã, thu thập phân loại sắp xếp tài liệu hình ảnh, văn bản, các bản ghi dạng vẽ, rập.

Vào thời gian này, những thực hành nghệ thuật đương đại bắt đầu nở rộ ở Hà Nội với sự ra đời của Nhà Sàn vào 1998, Ryllega bắt đầu hoạt động vào 2003, các dự án Xanh Đỏ & Vàng (2003), triển lãm Quobo Nghệ thuật Ý niệm Đức vào năm 2003, Liên hoan Nghệ thuật Trình diễn Lim Dim (2004), dự án Sài Gòn Thành phố Mở (Saigon Open City, 2004) và những hoạt động khác như Trình diễn thường niên Đáo Xuân ở Đào Anh Khánh Studio, các workshop thực hành nghệ thuật ở Viện Goethe… Những hoạt động và trình hiện của nghệ thuật đương đại thực sự hấp dẫn tôi, mặc dù lúc đó chưa hiểu, chưa có kiến thức một cách hệ thống. Ở thời điểm đó, dù chưa có nhận thức rõ ràng về nghệ thuật đương đại như hiện tại, tôi bắt đầu cảm thấy rằng những cách thức tiếp cận và mô hình lưu trữ dạng analog nơi tôi công tác đã không còn phù hợp.

Dự án Vietnam Contemporary Art Database (Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam) được Heritage Space khởi xướng từ năm 2020. Truy cập ngày 16/11/2023.

Xem dự án tại https://vcad.org.vn/

Sau khi rời nhà nước và nhận vị trí điều hành tại Heritage Space, trong những năm đầu tiên, tôi có cơ hội tham gia vào thực hành nghệ thuật đương đại bằng việc đứng tổ chức và điều phối các triển lãm, chương trình ngắn hay dự án thực hành trao đổi có tính quốc tế Tháng Thực hành Nghệ thuật (Month of Art Practice - MAP) do chúng tôi khởi xướng và thực hiện hàng năm.

Tôi và các bạn cộng sự tại Heritage Space bắt đầu đón tiếp, trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu, giám tuyển nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên thế giới, và tự tìm những cơ hội học hỏi về nghệ thuật đương đại thông qua công việc mang tính trực tiếp. Chúng tôi cũng bắt đầu có những hoạt động giao lưu quốc tế trong khu vực với các đồng nghiệp từ Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Myanmar, Malaysia, cũng như tiếp đón họ tới Hà Nội.

Một trong những chuyến đi, gặp gỡ và trò chuyện với giám tuyển Tang Fu Kuen[8], một trong những gương mặt nổi bật của nghệ thuật Đông Nam Á, anh thổ lộ rằng trong nhiều năm, nơi chốn mà anh biết ơn nhất chính là The Reading Room[9] không gian phòng đọc-thư viện tư nhân ở trung tâm Thành phố Bangkok, Thái Lan. Rất nhiều tri thức và thông tin về nghệ thuật của anh được xây dựng nhờ vào năm tháng ở đây. Từ sau cuộc trò chuyện đó, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để gây dựng một nơi chốn như thế ở Việt Nam. Đó không chỉ là một thư viện, một kho sách, mà nhiều hơn, là nơi ngưng tụ các giá trị và thành tựu, để từ đó tạo ra những luồng lưu thông về tri thức, văn hóa, lịch sử thực hành sáng tạo và giám tuyển, những ánh sáng lóe lên rồi vụt tắt, hay cả những ngôi sao chưa từng được biết đến. Hơn cả một nguồn học liệu hay thông tin, đó chính là môi trường để nuôi dưỡng và chuyên chở tri thức của chính cộng đồng tại Việt Nam, trong đó có bản thân tôi và những cộng sự tại Heritage Space.

Khi chia sẻ những suy nghĩ của mình với team làm việc, tôi nhận được sự hưởng ứng và cuối 2019, chúng tôi bắt đầu xây dựng kế hoạch làm việc. Câu chuyện về VCAD khởi đầu từ đó.

Specula. Phi Oanh Oanh. 2007-2009. Tác phẩm sắp đặt. Ảnh: Matthew Dakin. Nguồn VCAD, truy cập ngày 16-11-2023.

Được biết dự án có sự cố vấn của một số nhà nghiên cứu về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. Mọi người phối hợp làm việc cùng nhau ra sao?

Cuối năm 2019, khi bắt đầu xây dựng ý tưởng Kho Dữ liệu Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, viết tắt là VCAD (tên ban đầu là Vietnam Art Archive), Heritage Space đã xác định rằng đây là một công việc khởi đầu hết sức khó khăn do hạn chế về nhận thức về nghệ thuật, kiến thức và thông tin của nhiều giai đoạn, cũng như là việc vận hành và phát triển một dự án (có thể) chưa có tiền lệ ở hoàn cảnh trong nước. Vì vậy, chúng tôi đã mời những người đồng nghiệp trong giới có nhiều uy tín và kiến thức, kinh nghiệm làm việc trong cả môi trường nội địa và quốc tế cùng tham gia từ những giai đoạn đầu tiên.

Đầu năm 2020, một dịp ngẫu nhiên trong chuỗi công việc hợp tác giữa Heritage Space và British Council thuộc dự án Không gian Sáng tạo Việt Nam (2018-21), chúng tôi tham gia vào hoạt động thiết kế một chuỗi bài học trực tuyến dành cho hoạt động sáng tạo. Chúng tôi đã đề xuất và mời được tiến sĩ Natasha Kraevskaia và giám tuyển-nhà nghiên cứu nghệ thuật Annie Jael Kwan thiết kế hai nhóm bài học về Lưu trữ nghệ thuật[10] dựa trên kinh nghiệm và kiến thức làm việc thực tiễn của họ với hai bộ sưu tập đã kể trên. Đó thực sự là những chỉ dẫn quý giá để khởi đầu việc xây dựng cấu trúc của khung lưu trữ, kế hoạch phát triển nó ở nền tảng số và vận hành trực tuyến.

Tuy vậy, VCAD vẫn cần gần 2 năm tiếp theo để phát triển từ cấu trúc website tới hệ thống hóa tư liệu và danh mục Nghệ sĩ, Tác phẩm, Triển lãm theo từng giai đoạn. Trong giai đoạn này, chúng tôi tham vấn trực tiếp nhiều người cho các công việc khác nhau: việc soạn thảo các hồ sơ pháp lý, bản quyền với giám tuyển Trần Lương và nhà nghiên cứu Bùi Kim Đĩnh; việc xây dựng sơ đồ và cấu trúc lưu trữ trình hiện dữ liệu với tiến sĩ Natasha Kraevskaia; việc xây dựng định hướng và danh sách nghệ sĩ-tác phẩm trong giai đoạn đầu hoạt động do giám tuyển Trần Lương, Ace Lê và một số thành viên khác. Một số cuộc họp và trao đổi chuyên môn cũng được tổ chức với sự tham gia góp ý của các giám tuyển Đỗ Tường LinhLê Thuận Uyên.

Quang cảnh đen. Nguyễn Thị Thanh Mai. 2020. Ảnh in kỹ thuật số, chùm 5 ảnh. Nguồn: VCAD truy cập ngày 16-11-2023.

Khi VCAD bắt đầu hoạt động trên nền tảng trực tuyến vào cuối 2020, chúng tôi thấy rằng việc vận hành một bộ lưu trữ cộng đồng cần phải có những quan điểm khách quan từ bên ngoài, cũng như những ý kiến góp ý đáng tin cậy từ những người uy tín. Sẽ có nhiều câu hỏi và thắc mắc: Ai và tác phẩm nào được đưa vào đây, những định hướng trong thời gian ngắn và dài hạn sẽ như thế nào, những tranh chấp và mâu thuẫn nào có thể xảy ra?…

Các vấn đề đó cho thấy rằng chúng tôi cần có một Ban Cố vấn là những người sẽ đồng hành cùng VCAD để tư vấn, đưa ra lời khuyên, hướng dẫn và giúp đỡ trong các thời điểm bình thường và khó khăn.

Ban Cố vấn hiện tại với sự tham gia của giám tuyển Ace Lê, nhà nghiên cứu Bùi Kim Đĩnh, giám tuyển Lê Thiên Bảo, tiến sĩ-nhà nghiên cứu nghệ thuật Natasha Kraevskaia và giám tuyển-nghệ sĩ Trần Lương hình thành nên một nhóm năm người, tham gia trực tiếp với chúng tôi vào các buổi họp định kỳ 6 tháng để đánh giá kết quả, tiến độ, bình chọn tác phẩm và nghệ sĩ, cũng như đưa ra những lời khuyên và tư vấn chuyên môn về các vấn đề vận hành và mâu thuẫn. Họ cũng là những người giúp chúng tôi xây dựng bộ Tiêu chí đánh giá và lựa chọn nội dung của VCAD ở thời điểm hiện tại, và chắc chắn sẽ còn là cẩm nang xuyên suốt dự án trong tương lai.

Hiện tại, bên cạnh những thành viên của Ban Cố vấn, chúng tôi mở rộng hợp tác với những nhà nghiên cứu nghệ thuật nước ngoài chuyên sâu về Việt Nam như giáo sư-nhà nghiên cứu nghệ thuật Nora A. Taylor, tiến sĩ-nhà nghiên cứu nghệ thuật Pamela Nguyen Corey, tiến sĩ-nhà nghiên cứu nghệ thuật Iola Lenzi hay nghệ sĩ Veronika Radulovic - người chứng kiến và lưu trữ nhiều tư liệu các thực hành giai đoạn sớm ở Việt Nam, đặc biệt với những nghệ sĩ như Trương Tân, Nguyễn Minh Thành hay Nguyễn Quang Huy.

Họ đóng góp các tư liệu cho chúng tôi về hình ảnh và thông tin, đồng thời giúp chúng tôi hiệu đính các chi tiết quan trọng bổ trợ cho một tác phẩm hay triển lãm như tựa đề, năm, địa điểm và quyền sở hữu của tư liệu và các ý kiến chuyên môn khác. Chúng tôi hy vọng những người cộng tác như họ sẽ xuất hiện nhiều hơn trong sự phát triển lâu dài của dự án.

Lạc Chốn. Bùi Công Khánh. Sắp đặt. 2014-2016. Nguồn VCAD, truy cập ngày 16/11/2023. 

Các tác phẩm được lựa chọn lưu trữ dựa trên những tiêu chí nào?

Tiêu chí lựa chọn nghệ sĩ và tác phẩm của VCAD được xây dựng sau khi nền tảng trực tuyến bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối 2021 - đầu 2022. Đầu tiên, chúng tôi thấy rằng cần phải có hệ thống lý thuyết để đưa ra những lựa chọn và lí giải phù hợp với khái niệm “nghệ thuật đương đại” trong bối cảnh Việt Nam, từ đó khoanh vùng tác phẩm-thực hành nằm trong phạm vi lý thuyết này và là thang giá trị để chọn lọc tác phẩm, nghệ sĩ cho quá trình cập nhật bộ lưu trữ trong tương lai.

Heritage Space đã có các buổi họp và trao đổi trực tuyến với Ban Cố vấn về khung định nghĩa Nghệ thuật Đương đại, và chúng tôi thống nhất với các quan điểm của Terry Smith, nhà lý luận nghệ thuật người Úc. Xin được trích ở đây một phần thư trao đổi của tiến sĩ Natasha Kraevskaia (tạm dịch sang tiếng Việt):

“Điều làm nên sự khác biệt của nghệ thuật đương đại với nghệ thuật hiện đại không phải là hình thức hay thẩm mỹ mà là ý tưởng. Terry Smith coi nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của thế giới. Nó đến từ toàn thế giới, và thường cố gắng tưởng tượng thế giới như một tổng thể khác biệt nhưng chắc chắn được kết nối với nhau. Ông nhấn mạnh sự chuyển đổi xuyên quốc gia sang nghệ thuật đương đại, khi nghệ thuật hoạt động bên ngoài các trung tâm nghệ thuật  u Mỹ. Ngoài ra, nói về các hoạt động nghệ thuật đương đại của Đông Nam Á dưới dạng định hướng nội dung (…), đậm chất địa phương nhưng cũng rất linh hoạt ở tính quốc tế, và trên hết đặt mối quan tâm vào các vấn đề về quốc tịch, bản sắc và quyền. Tất cả (…) trong quá trình chuyển đổi liên tục. – trích từ Terry Smith, Các trào lưu thế giới nghệ thuật đương đại (Upper Saddle River: Prentice Hall, 2011), tr.82.

“… nghệ thuật đương đại ở khắp mọi nơi ngày càng gắn bó nhiều hơn với văn hóa trình diễn - với sự thương mại bão hòa về hình ảnh, lối sống toàn cầu hóa và mạng xã hội - trong mối quan ngại do biến động chính trị và biến đổi khí hậu gây ra”. (Terry Smith. Nghệ thuật đương đại: Dòng chảy thế giới trong quá trình chuyển đổi ngoài toàn cầu hóa. Trong: Đương đại toàn cầu và sự trỗi dậy của các thế giới nghệ thuật mới. Xuất bản bởi ZKM/Trung tâm nghệ thuật và truyền thông, Karlsruhe, Đức. Nhà xuất bản MIT< Cambridge, MA/ London, 2013, tr.187.)[11].

Đồng thời, đi sâu hơn vào bối cảnh Đông Nam Á, thành viên Ban Cố vấn, giám tuyển Lê Thiên Bảo đề xuất tham khảo thêm quan điểm của nhà nghiên cứu nghệ thuật Roger Nelson, trích:

“...nghệ thuật đương đại nhấn mạnh vị trí trung tâm của ý niệm: ý tưởng quan trọng ngang với kĩ thuật hay sáng tạo hình thái. Lẽ đương nhiên, ý tưởng vẫn luôn quan trọng, tuy nhiên, hình thức thẩm mỹ vẫn là tiêu chuẩn trọng yếu của các tác phẩm hiện đại cho tới khi nghệ thuật ý niệm xuất hiện từ khoảng giữa những năm 1970 trở đi ở Đông Nam Á. Nghệ thuật đương đại ra đời sau sự nở rộ của nghệ thuật ý niệm, đánh dấu sự dịch chuyển từ thẩm mỹ sang ý tưởng. Dù vậy, đối với nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ không chỉ chú tâm tới mỗi ý niệm. Họ cũng đưa vào trong tác phẩm cả những mối quan tâm khác, đặc biệt là những phản hồi mang tính xúc cảm, trải nghiệm thông qua cơ thể thay vì được đọc qua lăng kính tri thức... Song song với tinh thần “hậu-ý niệm” và “hậu-xưởng thực hành”, nghệ thuật đương đại còn nổi bật với khả năng dệt các mạng lưới kết nối đa dạng giữa nghệ sĩ và khán giả ở nhiều vùng khác nhau. Cụ thể, các biennials (liên hoan nghệ thuật lưỡng niên) hay kể cả những hội chợ nghệ thuật đều ngày một gia tăng từ khi có sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại, xác lập vị trí như một không gian để trao đổi ý tưởng. Những trải nghiệm thân mật hơn như các không gian nghệ sĩ vận hành, lưu trú, hay liên hoan cũng đóng vai trò quan trọng; và nghệ sĩ đương đại thường hợp tác theo nhóm hoặc hoạt động dưới dạng thức nhóm tập thể.

Cuối cùng, một điểm khác biệt rõ rệt giữa nghệ thuật đương đại và hiện đại là mối tương quan đầy phức hợp và đa chiều [của tác giả, tác phẩm] với thời gian. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “đương đại” mang hàm ý “cùng với thời đại”. Khi thông dịch, nhiều thuật ngữ bản địa trong khu vực Đông Nam Á cũng chứa đựng ngữ nghĩa tương đồng. Dựa theo cách gọi tên này, tính đương đại ghi lại những tri nhận khác nhau về lịch sử, nhấn mạnh trải nghiệm chiết trung về hiện tại. Tương phản với nó, chủ nghĩa hiện đại hay nghệ thuật hiện đại mang tinh thần vị lai, trong phổ thời gian tuyến tính. Quan niệm này thể hiện rõ nhất qua tác phẩm. Tuyến thời gian của hiện đại thẳng băng, hướng theo một chiều duy nhất. Trong khi đó, thái độ đương đại nhìn vào sự phi tuyến tính của thời gian, cùng lúc có thể đồng hiện nhiều hướng. Những cách thức khác nhau để trải nghiệm thời gian trong nghệ thuật đương đại thể hiện rõ nhất trong cách tiếp cận tác phẩm...”[12].

Từ những thống nhất về định nghĩa như trên, chúng tôi diễn giải thành các nguyên tắc lựa chọn để xây dựng nội dung của bộ lưu trữ. Những diễn giải này được đăng tải trên trang web dự án, mời các bạn xem trên đường dẫn này:

https://vcad.org.vn/vi/about-2/criteria

Việc vận hành kho lưu trữ có gặp phải những trở ngại đặc thù nào không?

Vận hành một kho lưu trữ trực tuyến công cộng về nghệ thuật khi chưa có tiền lệ ở Việt Nam chắc chắn có nhiều cản trở, mà (có thể) phần lớn chúng tôi chưa biết đến.

Đầu tiên, về bản chất, một kho lưu trữ là một đối tượng không hề bất biến, ngược lại, nó luôn biến động về cả hai phía theo trục thời gian là quá khứ và tương lai. Ở chiều tiến của thời gian, kho lưu trữ luôn cần có một cơ chế và hệ thống thu nạp thông tin của những gì đang xảy ra, xử lý và đưa vào hệ thống, do đó nó luôn ở trạng thái cập nhật như một thể trạng sống. Ở chiều ngược lại về quá khứ, những biến động liên tục về tư tưởng và suy nghĩ ở thực tại làm thay đổi nhận thức về định nghĩa, ý tưởng, phán định, thông tin về hệ giá trị trong quá khứ, và làm thay đổi trục nhận thức quá khứ của chính kho lưu trữ. Quá khứ cũng luôn mất đi hàng ngày bởi thời gian không đứng lại, nên chiều cập nhật về quá khứ cũng khẩn thiết và liên tục tương tự như với sự cập nhật thực tại. Kho lưu trữ chính là một hiện diện của lịch sử, mà lịch sử luôn chuyển động theo nhận thức thực tại. Dù dữ liệu và thông tin luôn mang tính khách quan, nhưng khi chúng do con người vận hành và truy tầm, mổ xẻ thường xuyên, chúng có khả năng thay đổi ý niệm, ý nghĩa của đối tượng mà nó lưu giữ theo góc nhìn, hướng tiếp cận của con người.  

Bên cạnh những vấn đề lý thuyết, việc vận hành kho lưu trữ như VCAD luôn có những vấn đề hết sức thực tế của hiện thực: chi phí duy trì nền tảng trực tuyến, chi phí cho nhóm làm việc - đang tăng dần theo thời gian do sự phát triển của cơ sở dữ liệu và nhu cầu lưu trữ-cập nhật, sự thay đổi của nền tảng công nghệ số và internet, sự thay đổi của các tác nhân bên ngoài vào nghệ thuật như kinh tế hay chính trị, chính sách và cách thức quản lý văn hóa, quản lý thông tin của nhà nước và quốc tế, các điều luật mới về bản quyền và sở hữu trí tuệ… Chúng tôi hầu như chưa biết trước, cũng như chưa thể có một phương án ứng biến toàn hảo với những vấn đề này. VCAD vẫn đang được vận hành bởi một nhóm làm việc nhỏ với kinh phí tự vận động, và chúng tôi chỉ có thể đưa ra những cách thức và phương án làm việc theo từng năm. “Learning by Doing” (học hỏi qua công việc) có lẽ là một cụm từ ngắn gọn mô tả chính xác nhất những gì chúng tôi đang làm với VCAD.

Những nhận thức về các hệ thống lưu trữ đang có nhiều thay đổi lớn trong thời gian qua. Một mặt, lưu trữ là không thể thiếu với đời sống thường ngày và tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Mặt khác, lưu trữ tiềm ẩn những nguy cơ khó có thể tranh cãi khi tiêu tốn nguồn lực lớn về năng lượng, thời gian và nhân lực, cũng như những nội dung lưu trữ về một hệ giá trị văn hóa hay văn minh lại có thể tạo ra những mâu thuẫn khó hóa giải giữa các cộng đồng hay các đứt gãy lịch sử. Và như lịch sử, nhận thức về lưu trữ tiến hóa và di chuyển theo thời gian, một bộ phận lịch sử có thể sẽ không còn cần thiết được biết đến, và bị loại bỏ khỏi hành trang của loài người. Có thể một lúc nào đó trong tương lai, lưu trữ của VCAD cũng sẽ không còn cần thiết và bị loại bỏ chăng? Hoặc tương lai có thể sẽ xuất hiện một Bộ Lưu trữ cho Tất cả (giống như The Internet Archive?[13]), và nó sẽ hòa tan mọi tri thức, thông tin, văn hóa của nhân loại vào trong một, bao gồm lưu trữ nhỏ như VCAD? Có bao nhiêu khả năng chúng tôi sẽ biết đến thời điểm đó sớm nhất?

Vũ Công. Trương Tân. Sắp đặt. 2005. Nguồn VCAD, truy cập ngày 16/11/2023. 

Đối tượng sử dụng kho lưu trữ hiện tại là những ai? Có những nhóm công chúng nào hiện chưa tương tác nhiều với kho lưu trữ mà Heritage Space muốn tiếp cận trong tương lai không?

Khi xây dựng VCAD, mong muốn của chúng tôi là tạo ra được một thư viện điện tử về nghệ thuật đương đại Việt Nam dành cho mọi người. Đó là một khung nội dung được xây dựng trên ngôn ngữ tiếng Việt, một nền tảng trực tuyến tương thích với các giao diện điện tử thông dụng, mà ai cũng có thể truy cập miễn phí chỉ bằng thiết bị di động kết nối mạng internet - điều đã được phổ cập tới tất cả các vùng miền trong nước bởi tốc độ phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin ngày nay.

Tuy vậy, là một hệ thống lưu trữ có tính chuyên ngành, chắc chắn VCAD cần có những nhóm đối tượng trọng tâm, những người mà chúng tôi hy vọng và mong muốn sẽ thường xuyên truy cập, sử dụng VCAD như một nguồn tham khảo tất yếu. Họ là những sinh viên nghệ thuật, những nghệ sĩ trẻ được đào tạo hoặc tự học, những người trẻ thực hành và nghiên cứu văn hóa trong bối cảnh và định nghĩa về đương đại, những khán giả mà tương lai của họ ở phía trước. VCAD nhằm hướng đến những khán giả tương lai, với hy vọng tạo ra cầu nối giữa họ với quá khứ và thời điểm thực tại mà họ truy cập vào trang web.

Phải thành thực mà nói rằng chúng tôi chưa thành công trong việc hấp dẫn sự chú ý của họ một cách rộng rãi như dự định. Những hạn chế hiện tại của VCAD như tốc độ thu thập và cập nhật dữ liệu còn chậm, dẫn đến sự phong phú và độ dầy tư liệu chưa được như mong muốn. Chúng tôi cũng chưa có thêm nguồn lực dành cho truyền thông, tạo ra những nội dung lôi kéo sự chú ý, hay tổ chức những hoạt động kết nối, trao đổi xoay quanh dự án, vì vậy sức lan tỏa và nhận biết VCAD vẫn có lẽ chỉ ở trong những kênh thông tin hẹp của những cộng đồng từng quen thuộc với Heritage Space. Những hạn chế này không thể thay đổi trong một thời gian ngắn. Mặc dầu vậy, chúng tôi hy vọng một cách tự nhiên, VCAD sẽ dần được biết đến và tìm kiếm nhiều hơn theo sự lớn dần của chính cơ thể dữ liệu mà dự án đang nuôi dưỡng. Là một chương trình làm việc được xác định dài hạn ngay từ ban đầu, chúng tôi hình dung rằng sẽ cần phải mất 8-10 năm để xây dựng được một cơ sở dữ liệu đúng với tên gọi của nó, và với điều kiện nhân lực, vật lực hiện tại.

Kể gấu nghe một chút về các dự tính tiếp theo của VCAD và Heritage Space nhé!

Heritage Space và VCAD là những gì xuất hiện một cách tự nhiên và viễn vọng của chúng tôi với nghệ thuật, đời sống, những khả thể có thể xảy ra khi theo đuổi những hệ giá trị của mình tự đặt ra và hình dung ra cho tương lai, dựa trên những kinh nghiệm của quá khứ và hồi phản thực tại. Cùng với thời gian, chúng tôi nhận ra rằng có quá nhiều đứt gãy và khác biệt của nhận thức về lịch sử và sự chọn lọc lịch sử của các cộng đồng. Và chúng tôi tin rằng nghệ thuật và sự hiểu nghệ thuật đóng được một vai trò nào đó trong việc làm mờ những đứt gãy, vùng trống của nhận thức, và là một cơ chế để tạo ra những giá trị tích cực cho cuộc sống và tương lai. Những dự tính sau này có lẽ sẽ tuần từ xuất hiện theo thời gian, và khi chúng tôi nhận biết, gọi được tên chúng.

Xin phép kết thúc trò chuyện bằng một câu nói mà tôi đọc được trong tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đầu tiên tự mua vào mùa hè năm 2000 khi còn là sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội, trích của Louis Aragon:

“Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy…”[14]

gấu thiên thể mong rằng qua cuộc trò chuyện này, mọi người biết thêm một chút về công việc lưu trữ nghệ thuật, và tìm thấy những gợi ý hữu ích về nguồn tham khảo.

Cảm ơn anh Tuấn và Heritage Space!

Thực hiện: gấu thiên thể

Trích dẫn

[8] https://ears.asia/past/interview-with-tang-fu-kuen/index.html.

Bio: Tang Fu Kuen is an independent Bangkok-based dramaturg, curator and producer of contemporary performance and visual fields, working in Asia and Europe. He was the sole curator of the Singapore pavilion at the 53rd Venice Biennale. Read on to learn more about Asia’s performing arts scene and its future through the eyes of Tang Fu Kuen. (truy cập ngày 14/08/2023).

[9] The Reading Room, địa chỉ tại số 2 ngõ 19 đường Silom, Silom, Bang Rak, Bangkok 10500, Thailand.

Thông tin thêm xem tại: https://culture360.asef.org/resources/reading-room-bangkok/

[10] Các bài học trực tuyến này hiện vẫn có thể truy cập tại địa chỉ http://www.creativehubs.vn/en/online-courses (truy cập ngày 12/08/2023).

[11] Nguyên bản tiếng Anh: “What makes difference of contemporary art from modern art is not a form or aesthetics but the ideas. Terry Smith (the main theoretician of contemporarily in art) sees contemporary art as an art of the world. It comes from the whole world, and frequently tries to imagine the world as a differentiated but inevitably connected whole.

He underscores a transnational transition to contemporary art,  as  art operating outside Euramerican art centres.  In addition, talking about SEA contemporary art practices as content-driven (…), intensely local but also mobile internationally, and concerned above all with issues of nationality, identity and rights. All (…) in constant transition. Terry Smith, Contemporary Art World Currents (Upper Saddle River: Prentice Hall, 2011), 82.

“… contemporary art everywhere has engaged more and more with spectacle culture – with image saturated commerce, globalized lifestyle, and social media – and with anxieties caused by political volatility and climate change”. (Terry Smith. Contemporary Art: World Currents in Transition Beyond Globalization. In: Global Contemporary and the Rise of New Art Worlds. Published by ZKM/ Center for Art and Media, Karlsruhe, Germany. The MIT Press< Cambridge, MA/ London, 2013, p.187.)”. – thư trao đổi ngày 1/5/2022.

[12] (Roger Nelson, Modern Art of Southeast Asia: Introductions from A to Z , National Gallery Singapore, 2019, p.43-45, Lê Thuận Uyên dịch). Email của giám tuyển Lê Thiên Bảo gửi ngày 9/5/2022.

[13] https://web.archive.org/. Trích đoạn giới thiệu website, phần About: “The Internet Archive, a 501(c)(3) non-profit, is building a digital library of Internet sites and other cultural artifacts in digital form. Like a paper library, we provide free access to researchers, historians, scholars, people with print disabilities, and the general public. Our mission is to provide Universal Access to All Knowledge.
We began in 1996 by archiving the Internet itself, a medium that was just beginning to grow in use. Like newspapers, the content published on the web was ephemeral - but unlike newspapers, no one was saving it. Today we have 26+ years of web history accessible through the Wayback Machine and we work with 1,000+ library and other partners through our Archive-It program to identify important web pages”. (Truy cập ngày 14/08/2023).

[1] Je ne peux plus vous faire d’autres cadeaux que ceux de cette lumière sombre… (Louis Aragon) – trích từ “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, 2000, NXB Hội Nhà Văn.

Nhân dịp Ba-Bau AIR tổ chức khóa học về art handling (tạm dịch: xử lý tác phẩm nghệ thuật trong không gian trưng bày), chúng tôi có cuộc trò chuyện với đội ngũ ba-bau AIR để hiểu thêm về công việc này và những kết quả đạt được từ khóa học.

gấu thiên thể trò chuyện với anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Heritage Space, để hiểu thêm về hoạt động lưu trữ nghệ thuật (art archiving) và vai trò của nó trong bối cảnh của nghệ thuật đương đại Việt Nam.