Alexander McQueen - thế giới mộng tưởng của người điên

Alexander McQueen Spring 2001 Ready-to-Wear

5August2022

Alexander McQueen (1969-2010) là hiện thân của một cuộc đời ngắn ngủi nhiều thăng trầm, một tầm nhìn thời trang đầy bứt phá nhưng gây tranh cãi không kém, cách phô bày và tôn vinh cái đẹp từ những điên loạn và xấu xí, và tầm ảnh hưởng rộng khắp trong văn hóa đại chúng. Cùng hồi tưởng lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tạo lạ thường của Alexander McQueen. 

Highland Rape (Autumn/Winter 1995)

Khoảnh khắc đưa nhà thiết kế 26 tuổi vào tâm điểm tranh luận là show diễn Highland Rape (Vụ cưỡng bức ở cao nguyên) năm 1995. Trong bộ sưu tập này, McQueen đặt lịch sử đẫm máu giữa Anh/Scotland và bạo lực giới làm nền tảng cho các thiết kế táo bạo và kỳ dị. Trên sàn diễn, những người mẫu vật vờ và phơi trần những phần nhạy cảm trên những trang phục bó sát. McQueen đã bị chỉ trích là vật hóa phụ nữ khi chơi đùa với cơ thể họ như thể đó là những phần nối dài của thiết kế. Dẫu báo chí phản ứng theo chiều nào thì hiệu ứng truyền thông mãnh liệt cũng đã đặt tên tuổi Alexander McQueen vào tâm điểm và mở đường cho nhiều thăng hoa sau đó.

Robot tấn công người mẫu bằng sơn xe hai màu và phá hủy sự thuần khiết của chiếc váy trắng.

No.13 (Spring/Summer 1999)

Một trong những finale đáng nhớ nhất trong lịch sử thời trang là khi người mẫu Shalom Harlow xuất hiện trong chiếc váy trắng cuối show No.13. Trên nền nhạc The Swan, người đẹp quờ quạng đôi tay mỏng manh như cố chống lại cánh tay robot. Robot tấn công Shalom bằng sơn xe hai màu, phá hủy sự thuần khiết của chiếc váy trắng. McQueen đã không diễn tập trước cho màn trình diễn này. Nó diễn ra một lần duy nhất, tác phẩm được thực hiện và hoàn thành ngay trước mắt khán giả, và màn trình diễn chất đầy cảm xúc với cả chính bản thân McQueen.

Voss (Spring/Summer 2001)

Sàn diễn năm 2000 là một khối kính khổng lồ gợi nhắc không khí đáng sợ của bệnh viện tâm thần. Những người mẫu bị mắc kẹt trong đó, cố gắng vươn tay nhưng chẳng thể bay khỏi chiếc tổ chim cúc cu. Những băng trắng quấn đầu, chiếc váy đen làm từ vỏ nghêu, và bộ váy lông vũ đỏ-đen mặc bởi Stella Tennant ắt hẳn là những chi tiết đáng nhớ nhất.

Bức ảnh Sanitarium (1983) của Joel-Peter Witkin

Mô phỏng của Alexander McQueen trong Voss

Cuối buổi diễn, khối hộp trong lòng sân khấu bắt đầu đổ sụp và vỡ toang, để lộ một nhân vật khỏa thân nặng nhọc thở máy, Một mặt hình ảnh mang cảm giác hoang tàn, còn cơ thể người có sự lai tạp và duy trì sự sống nhờ máy móc gợi đến những thước phim vị lai Hậu tận thế về loài người biến dạng. Mặt khác sắp đặt cũng tái hiện bức ảnh Sanitarium của Joel-Peter Witkin - vốn là một hình ảnh có tính phản biện motif về hình mẫu “cái đẹp” trong thời cổ điển về người đàn bà mà nổi tiếng nhất là bức Titan, Venus of Urbino. Nó cũng gợi lại khung cảnh chết chóc và hoàn tất sự điên loạn của Voss.

Horn of Plenty 2009. Hình ảnh: Pascal Le Segretain/Getty Images

Horn of Plenty (Autumn/winter 2009)

Một lần nữa, McQueen khẳng định khả năng phơi bày cái đẹp từ những nơi chốn khó ngờ nhất: một đống rác. Những thiết kế mang hơi hướng dark fantasy kết thúc bằng hai bộ lông vũ: một chiếc váy lông vịt đen (như một con quạ - biểu tượng buồn bã nhưng lãng mạn về cái chết), một chiếc váy lông trắng với phần ngoài dựng ngược che kín đầu người mặc. Xử lý form cũng mang một nét hoài cố về thập niên 50, với dáng vai lớn mạnh mẽ, tương phản với những chiếc eo bó thật sát.

Tranh chân dung nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất, khoảng năm 1600-1610. Không rõ họa sĩ. Nguồn: Creative Commons

Nghệ sĩ trình diễn Leigh Bowery, hiện thân của các luồng văn hóa ngầm của Luân Đôn thập niên 1980. Hình ảnh: Getty Image via i-D

McQueen cũng kết hợp với nhiều nghệ sĩ khác để kiến tạo nên những diện mạo kinh điển. Những chiếc nón độc đáo được sáng tạo bởi nhà thiết kế phụ kiện Philip Treacy. Nhà tạo mẫu tóc Guido Paulo nhúng tay tạo nên những khối điêu khắc bằng tóc xen lẫn vỏ lon và màng nhựa. Chuyên gia trang điểm Peter Phillips tạo nên những nhân dạng tái nhợt (với đôi mày tẩy trắng gợi nhớ nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất) và đôi môi đỏ quá khổ như những chú hề (gợi nhớ đến nghệ sĩ trình diễn Leigh Bowery).

Plato’s Atlantis (Spring 2010)

Đây là bộ sưu tập cuối cùng trước khi Alexander McQueen tự kết thúc cuộc đời nhiều biến cố. Tuy vậy, nó lại mang một tinh thần vị lai. Ngày nay, trong thế giới Covid, chúng ta quá quen với việc livestream mọi thứ thì cách đó một thập kỷ, Plato’s Atlantis đã là show thời trang livestream đầu tiên. BST được quảng bá bởi Lady Gaga trước khi mang các thiết kế vào MV Bad Romance của mình. Công nghệ, sự phủ rộng và đám đông hồ hởi là khởi đầu cho thập niên tiếp theo mà ta đã trải qua.

Getty Images via Vogue

Nhân vật chính của show diễn, những bộ trang phục, lại mang một mầm mống phỏng sinh học (biomimicry) sớm. Ngày nay, khi nhận thức tự nhiên trở thành một đề tài được nhắc đến thường xuyên, thì McQueen đã thơ mộng hóa những hình thù từ thế giới tự nhiên. Họa tiết da rắn hay những chiếc vảy lấp lánh, phản quang xuất hiện cạnh những đôi guốc cao khổng lồ như móng động vật. Người mẫu vấn tóc nhọn, những khớp xương và gò má nhô cao như thể dự đoán tương lai tiến hóa của nhân loại.

Và một ngôi sao khác - đôi tay robot năm xưa - một lần nữa trở về sân khấu. Lần này đôi tay không phun sơn mà gắn máy quay và phản chiếu khán giả lên màn ảnh. Hồi cố quá khứ và phóng chiếu vào tương lai, Plato’s Planet cũng là lời từ biệt của Alexander McQueen dành cho thế giới nhiều trầm luân này.

Hiếu Y

Bài viết liên quan

Thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Whiteread kích hoạt ý thức và cảm giác cho cơ thể con người qua việc trải nghiệm sâu sắc hơn về các khoảng trống trong lòng sự vật...

Tình yêu, sự sống, hạnh phúc, đau khổ đều sẽ qua đi cùng thời gian… nhưng làm sao để nắm bắt thời gian?