Jibaro, Chủ Nghĩa Hiện Thực Huyền Ảo Và Những Ẩn Dụ 

5August2022

Love, Death and Robots là loạt phim hoạt hình được yêu thích trên nền tảng Netflix, khai thác các chủ đề rất bất hủ trong lịch sử con người như Tình yêu và Cái chết. Riêng Robot nên được hiểu theo nghĩa rộng, ngoài là người máy còn bao gồm cả những tồn tại vượt ngoài sự hiểu biết của thế gian con người như yêu tinh và thần thánh. Khi kết nối các chủ đề này, Jibaro gợi đến những thủ pháp quen thuộc trong Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo Mỹ La Tinh, phong trào phản kháng chế độ thực dân và khơi gợi văn hoá châu Mỹ bản địa. Từ điểm lý thuyết này ta sẽ từ tốn khám phá ra tên thật của vị thần nữ đang được gọi là “siren" này.

Phim được đạo diễn người Tây Ban Nha Alberto Mielgo thực hiện. Bối cảnh của phim gợi đến châu Mỹ thế kỷ 15-16, thời điểm người Tây Ban Nha tấn công đế chế Aztecs. Các đạo diễn đến từ các nước thực dân ngày xưa có xu hướng thực hiện những tác phẩm mang tính đối thoại và nhìn nhận lại về lịch sử thực dân của dân tộc mình.

Phim mở đầu với khung cảnh của một cuộc hành quân. Một toán lính mang phục trang Tây Ban Nha dẫn theo cả giáo sĩ đang bước vào khu vực linh thiêng của người bản địa, đó là rừng, hồ, và ánh vàng huyền bí dưới mặt nước sâu… Khung cảnh này gợi đến sự tương đồng với huyền thoại El Dorado mà những người thực dân thường truyền tai nhau, rằng trong rừng rậm của châu Mỹ có đầy châu báu.

Bức tranh tường của Diego Rivera mô tả cảnh những nhà chinh phục Tây Ban Nha bóc lột người bản địa. Nguồn: Researchgate

Trong buổi hành quân thường nhật ấy, những lời cầu kinh vang lên từ đám tu sĩ đã khiến thứ kỳ bí trong lòng hồ phải ngoi lên. Từ đáy nước, vị thần nữ hiện ra với đầy ánh vàng lấp lánh mê dị.

Nàng là cái gì đó dị loại và xa xôi với khái niệm về loài người… Nàng cất tiếng hát, âm thanh cổ xưa hơn ngôn ngữ bất kỳ nền văn minh nào, âm thanh ấy gây nên hỗn loạn và giết chết toán lính. Chỉ duy một kẻ sống sót. Hắn khiến thần nữ sửng sốt vì chưa từng có kẻ nào sống sót. Từ ngạc nhiên, thần nữ trở nên tò mò và trườn mình đến tìm hiểu sinh thể kỳ lạ kia. Và rồi hai kẻ vồn không thể giao tiếp với nhau đã ào vào nhau theo hai cách khác nhau. Vị thần nữ thích thú với thứ “châu báu" chưa từng biết đến, còn tên lính thì chỉ thấy vàng trên thân nàng. Hắn tìm cách đánh chết nàng để cướp đi toàn bộ số vàng. Cuối cùng nước phẫn nộ trong màu máu như khải huyền, nước dâng lên cùng thân thể nát tan của thần nữ, kéo tên lính kia chìm sâu vào đáy hồ cùng bao xương trắng.

Câu chuyện này đậm đặc màu sắc của chủ nghĩa Hiện thực Huyền ảo Mỹ La Tinh (Magic Realism) của thế kỷ 20. Các nhà văn châu Mỹ đã khai thác các hình mẫu cổ xưa của văn hoá, kỷ nguyên thần thoại của các tộc người châu Mỹ bản địa như Aztec và Maya. Về mặt chính trị, phong trào này đã khiến các nước từng là thực dân phải hoài nghi cách nghĩ của họ về những vùng đất họ từng chiếm đoạt. Còn về mặt triết học, tư tưởng này chất vấn thứ “thực tại" mà thế hệ người dân Mỹ La Tinh đang được dạy trong trường học, những thứ như văn minh, khoa học, đạo đức, tôn giáo… có thể đều là các áp đặt của phương Tây. Hiện thực Huyền ảo mở ra những điểm nhìn mới, giúp các nước thuộc địa phải tự coi trọng văn hoá của chính họ, nhìn nhận lại những tri thức cổ xưa của dân tộc họ. Linh hồn, thuật bói toán, thần linh,... cũng chính là Thực tại, chỉ là Thực tại này khác với Thực tại mà phương Tây mang đến. Trong các tác phẩm văn chương của nhà văn đoạt giải Nobel Garcia Marquez, các nhân vật huyền ảo như xác chết, thần thánh lại chung sống rất tự nhiên với con người, như hình tượng Cụ già đôi cánh khổng lồ về vị thần mất danh tự, Biển của thời đã mất với những tinh linh và người chết có sắc đẹp lạ lùng sống dưới đáy nước… Đến đây, ta có thể thấy Jibaro:  Love, Death an Robots Volume 3 đã sử dụng những thủ pháp của phong trào này với câu chuyện ẩn giấu về cách thức Tây Ban Nha xâm phạm vương quốc Aztec.

Nhìn sâu vào hoàn cảnh trong phim, ta thấy toán lính là biểu hiện cho chủ nghĩa thực dân, còn vị thần nữ bí ẩn lấp lánh ánh vàng tượng trưng cho đế chế Aztec giàu có. Những nhà tư tưởng lớn của Mỹ La Tinh như Garcia Marquez, Jorge Luis Borges, Miguel Asturias thường mượn “bóng" của những vị thần cổ xưa đã bị quá trình thuộc địa hoá xoá tên. Ta thấy cách Jibaro theo đuổi kẻ ngoại lai thực ra là ẩn dụ cho sự hiếu kỳ của các tộc người bản địa với người Tây Ban Nha. Theo giai thoại, các cộng đồng bản xứ Mỹ La Tinh tin rằng các vị khách da trắng đến với họ là ứng nghiệm cho lời tiên tri về những đấng cứu thế đến từ biển xa*. Với vị thần nữ, có thể nàng đã linh cảm rằng việc chàng ta không chết vì ma thuật của nàng cũng có thể giúp nàng thoát khỏi cảm giác đơn điệu và trói buộc nơi đáy hồ. Tuy nhiên, cũng giống như những gì đã xảy ra trong lịch sử, vị thần nữ không thể giao tiếp với tên lính vì hắn điếc, cũng như người châu Mỹ đã bất lực khi không thể giao tiếp với người Tây Ban Nha. Và trong bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là trong sự hợp lưu giữa các luồng văn hoá, nếu hai bên không thể trao đổi thì chỉ có thể dẫn đến đối kháng và xung đột.

*Florence Weber, Lược sử Nhân học. Claude Lévi-Strauss, Nhiệt đới buồn.

Cũng trong trường tư duy của Hiện thực Huyền ảo, ta nên nhắc đến thi pháp sử dụng lại các điểm văn hoá bị “áp bức" từ lâu tại Mỹ La Tinh. Trong đó những vị thần thật ra chỉ là sự phản chiếu chứ không nhất thiết là thần thánh chính xác nào, như Cụ già có cánh khổng lồ của Marquez có thể là Thần rắn lông vũ của người Maya đã bị “thánh kính"/ “mất tên thờ" nên rơi xuống rã rời hoại tử vào quên lãng. Xét trong phim này vị thần nữ có thể chỉ là tinh linh của hồ, biểu tượng của châu báu và sự giàu có của đế chế Aztec. Nhưng xét theo tính chất gợi xung năng ái dục, sự giàu có và thịnh vượng, khả năng ca hát và nhảy múa thì có thể nàng được xây dựng trên hình mẫu nữ thần Xochiquetzal.

Xochiquetzal là thần của tình ái bản năng, của sắc đẹp quyến rũ, của nghệ thuật, đây là một điều đặc biệt vì đại đa số các thần Aztecs khác đều là chiến thần và hiến tế; họ thường không có lòng yêu thương hay hiếu kỳ với con người như vị nữ thần này. Trong nhiều tài liệu Xochiquetzal còn được đồng tình là thần của nước ngọt (Chalchiuhtlicue), do đó không ngạc nhiên khi nàng có thể ca hát giữa hồ và cái hồ này còn là trung tâm của hệ thống nước trong vùng đất. Một đặc điểm khác để ta đoán đây là Xochiquetzal còn ở quần áo của nàng, gồm vàng nguyên chất, váy áo rực rỡ và quan trọng nhất là chiếc khuyên mũi thường được xem như đặc điểm phải có trong tranh vẽ về Xochiquetzal . Ta cũng thể xem sự va chạm thịt da giữa tên lính và nàng chính là nghi lễ hiến tế cho nữ thần Xochiquetzal, trong đó các trinh nữ đóng làm Xochiquetzal và kết hôn với một chiến binh - đại diện cho chúa tể cõi đêm Tezcatlipoca - kẻ đã bắt cóc Xochiquetzal. Cuối nghi lễ trinh nữ sẽ hiến tế chính bộ da đẹp đẽ của họ để đem làm áo choàng châu báu cho chiến binh, tương đồng với chi tiết trong phim khi hai đối tượng này quấn quýt thân thể trong buổi khuya và tên lính “lột da" của thần nữ vào ngày hôm sau. 

Nữ thần Xochiquetzal. Nguồn: Creative Commons

Đây có thể là một trong những tập phim có khả năng khai thác triệt để nhất tiêu đề của loạt phim Love, Death and Robots. Tình yêu là năng lượng nguyên thuỷ của vạn vật, cũng chứa cả sức mạnh bạo liệt và cuồng nhiệt có thể huỷ diệt tất cả. Cái chết là thứ bình đẳng với tất cả sinh linh, kể cả thần thánh, tội lỗi khi đã xảy ra sẽ huỷ diệt cả thế giới trong máu và đại hồng thuỷ. Cuối cùng là Robots… ẩn dụ cho những dạng tồn tại khác biệt hoàn toàn với con người, vượt qua mọi kinh nghiệm thấu hiểu của con người, hay đơn giản là những thứ khác ta như một cộng đồng dân tộc khác và nếu không thể tìm ra cách giao tiếp, cả hai sẽ chỉ còn xung đột.

Vương An Nguyên

Bài viết liên quan

Thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Whiteread kích hoạt ý thức và cảm giác cho cơ thể con người qua việc trải nghiệm sâu sắc hơn về các khoảng trống trong lòng sự vật...

Tình yêu, sự sống, hạnh phúc, đau khổ đều sẽ qua đi cùng thời gian… nhưng làm sao để nắm bắt thời gian?