Tôi và ông tôi đi đến gặp Mondrian tại cây xăng ngã tư đường

Piet Mondrian, Broadway Boogie Woogie, 1942-43. Nguồn: MoMA

25August2021

tản văn

Ngày còn bé, tôi hay lôi tất cả bản đồ của ông tôi và cha tôi trải đầy sàn. Im lặng. Đêm xuống mùi hương thành ra rõ rệt, chữ thành ra sự sống, bản đồ thành ra những chân trời viễn mộng về miền quá khứ người khóc người cười hay miền xa trời vọng chiếu vạn triệu sông hồ... Và có những nơi đã vĩnh viễn chỉ còn trong niềm hoài cảm, chẳng thể trùng ngộ trừ trong mơ.

Nơi tất cả các con đường bị cắt mất trên bản đồ, tôi tìm thấy những đường răn khả hữu tồn tại con người, thành phố bất động tuyệt đối của Mondrian. Tôi nói thế với ông tôi, khi tôi xếp đồ chơi bày bừa ngày bé bức broadway boogie woogie (1943) kế bên các tấm bản đồ của lớp lang thời gian Hà Nội, Huế, Sài Gòn, và nhìn để cảm thấy sự bất động của cái chết đang chảy ra. Tôi hiểu tất cả các mặt bằng hay đường phố và kiến trúc của các bản đồ cũ đã dừng lại vĩnh viễn. Và các bản đồ này lưu trữ tất cả các khả năng cuối cùng để con người đương sống phải tin có các khả hữu khác của thành phố, các khả hữu về thế gian đã sống và định hình tính cách cha ông và chính họ. Chúng ta là con cháu của các con đường, tồn tại lấp lánh của nhà cửa, xe cộ rút mất dần hình dáng còn lại của chúng thành các đường kẻ và biểu tượng quy ước trên bản đồ, còn bản đồ bị rút dần tính cá thể thành cái gì đó phổ quát cơ bản... tranh của Mondrian.

Piet Mondrian, Composition with Red, Yellow, Blue, and Black | Bố cục với Đỏ, Vàng, Lam và Đen, 1921. Nguồn: Creative Commons

Bản đồ rồi sẽ chẳng còn là gì hơn ngoài một miền ký ức, tranh Mordian bất động vì nó trải rộng vô hạn thời đại mà thành phố đã hiện hữu trong sự chết, vì mọi kết cấu thành phố đã qua đều đã đông cứng và hoàn thành. Nên bản đồ của năm tháng và địa chất cũ về sau chỉ còn là một điểm neo đơn độc báo hiệu đâu đó từng có một nơi, một xứ, một nhà, một kỷ vật từng tồn tại. Và khi năm tháng dài hơn, xếp lớp cũ kỹ, thì bản đồ đang vẽ các mặt bằng xa xưa ấy cũng thành ra một giấc mơ đáng hoài nghi, khó tưởng tượng. Ta khó hình dung nên xứ sở ông bà ta từng sống cả cuộc đời, tất cả chỉ là một thoáng hiện chấm nhỏ trên bản đồ vô danh.

Piet Mondrian, Trafalgar Square, 1939-43 Nguồn: MoMA

Bản đồ có tác dụng như người sống lưu trữ và kể ký ức để khẳng định ai đó đã chết từng hiện hữu. Bản đồ cam kết lưu trữ sự tồn tại khả dĩ của các thành phố, đời sống đã-đang-sẽ qua đi. Cái bất động tuyệt đối của Mondrian là sự cam kết để bảo đảm ý niệm bản đồ, thành phố đã niêm chặt được vào kết cấu của não bộ loài người. Đó có lẽ là do Mondrian cũng là bậc thầy của màu sắc, màu sắc chuyển động cho hình tượng tranh đã bất động dường như chết. Mondrian sử dụng các màu nguyên bản, thường dần ít dùng vì tính thiếu linh hoạt, nhưng cách ông dùng nhắc nhận thức con người nhớ ra cách chúng ta nương nhờ trí tưởng tượng khả năng đọc vị bản đồ qua các chấm biểu thị bằng các loại màu dễ phân biệt nhất. Và trên hết màu nguyên bản là ý tưởng ban đầu, phát sinh tất cả mọi sự biến thái của màu sắc để con người nhìn được màu sắc hình khối đang sống. 

Tranh của Mondrian an ủi tôi... trong những cảm giác hiện hữu cơ bản nhất.

Piet Mondrian, Composition in Red, Blue, and Yellow | Bố cục Đỏ, Lam, và Vàng, 1937-42 Nguồn: MoMA

Vương An Nguyên

Bài viết liên quan

Thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Whiteread kích hoạt ý thức và cảm giác cho cơ thể con người qua việc trải nghiệm sâu sắc hơn về các khoảng trống trong lòng sự vật...

Tình yêu, sự sống, hạnh phúc, đau khổ đều sẽ qua đi cùng thời gian… nhưng làm sao để nắm bắt thời gian?