Gớm ghiếc có thể trở thành nghệ thuật không? Trường hợp của Grotesque

Francis Bacon, Painting, 1946 (trích đoạn). Nguồn ảnh: MoMA

Khi nói về hội họa, người ta thường nghĩ đến những người đẹp, những giỏ hoa quả ngon lành hay một phong cảnh trong trẻo. Nhưng không phải lúc nào các tác phẩm nghệ thuật cũng mô tả một thứ gì đó xinh xắn. Trong dòng lịch sử nghệ thuật, các nghệ sĩ nhiều lần đưa những thứ gớm ghiếc, xấu xí và tàn úa vào sáng tác của mình. Chúng ta đang nói đến trường hợp của grotesque, hay nghệ thuật của những điều gớm ghiếc.


Grotesque hay là nghệ thuật của cái xấu

Garden of Earthly Delight | Khu vườn của niềm vui trần thế, tranh của Hieronymus Bosch (trích đoạn). Khoảng 1490-1500. Nguồn: Creative Commons

1. Grotesque có thể là những thứ gì?

Grotesque diễn tả trạng thái kinh hãi hay ghê tởm khi trông thấy những thứ gớm ghiếc. Trong khi cái đẹp tuân theo các quy ước về tỉ lệ và sự hòa hợp, thì grotesque phá vỡ chúng bằng cách bóp méo, xô lệch và tạo ra các dị dạng. Khi đối diện những thứ kỳ dị, phản ứng chung của chúng ta là muốn tránh xa, nhưng các tác phẩm grotesque lại có một sức hút kỳ lạ khiến nhiều người không thể ngừng ngắm nhìn và tìm kiếm chúng.

2. Cái tên grotesque xuất phát từ đâu?

Khoảng thập niên 1480, châu Âu đang ở trong giai đoạn mà các sử gia về sau gọi là thời Phục Hưng. Những nhà trí thức thời Phục Hưng say mê khám phá những tàn tích Hy Lạp và La Mã cổ đại. Lúc này, tại Rome, người ta khai quật được cung điện Domus Aurea (Ngôi Nhà Vàng) của vị hoàng đế huyền thoại Nero. Những tác phẩm “kỳ quái” trong cung điện của ông ta khiến người đương thời choáng váng xen lẫn phấn khích. Để tiếp cận tàn tích bị chôn vùi này, người ta phải leo từ trên xuống như thể đi vào hang động, hay grotte trong tiếng Ý. Từ grotesque phát sinh từ lớp nghĩa hang động này. Về sau, tất cả những gì kỳ dị giống những bức tranh trong trong cung điện Domus Aurea được gọi là grotesque.

Trang tường bên trong Domus Roma. Nguồn ảnh: Creative Commons

3. Grotesque thời Phục Hưng

Phúng dụ Thánh Anthony (Antôn) bị cám dỗ đã cung cấp nguồn chất liệu cho rất nhiều tranh grotesque thời Phục Hưng. Kinh Thánh kể rằng quỷ dữ hiện ra trên sa mạc Ai Cập để cám dỗ và tấn công thánh Antôn. Các họa sĩ tạo ra nhiều phiên bản quỷ dữ bằng cách bóp méo cơ thể con người và kết hợp chúng với các loài động vật, cho ra đời những con quỷ nửa người nửa thú quái lạ.

Tranh: Matthias Grunewald đã vẽ ra một trong những bức tranh kịch tính nhất trong chủ đề này. Những con quỷ xông đến thánh Antôn bằng một lực mạnh đến nỗi bố cục tranh đổ lệch về một phía. Nguồn: Creative Commons

The Temptation of St Anthony | Sự cám dỗ của thánh Anthony, tranh của Matthias Grunewald, trích đoạn.

4. Grotesque trong nghệ thuật Hiện đại

Francis Bacon được xem là một trong những nghệ sĩ đột phá và ảnh hưởng nhất ở thế kỷ 20. Những nhân vật méo mó, gào thét và quằn quại của Bacon được xem là hiện thân cho những ám ảnh và khủng hoảng sau thế chiến thứ hai, đồng thời cũng phản chiếu những chấn thương tinh thần của riêng họa sĩ. Bằng cách xé toạc cơ thể con người, đổ vào đấy những gam màu dữ dội, Bacon đã tạo ra những cảm xúc căng thẳng nhất trong hội họa hiện đại.

Triptych August của Francis Bacon, 1972. Nguồn: Tate

5. Grotesque trong nghệ thuật Đương đại

Nghệ thuật đương đại chứng kiến sự bùng nổ của những chủ thể gớm ghiếc. Đứng trước vô số vấn đề về thiên nhiên, nhân quyền và sự hiện hữu, các nghệ sĩ đã tiếp tục đào sâu các yếu tố grotesque để tạo ra những tác phẩm chất vấn lại những nhận thức thông thường của chúng ta. Cái gì là đẹp, cái gì là tốt, cái gì là đúng đắn? Những tác phẩm grotesque tiếp tục kích thích cảm quan của ta và khiến ta sởn người nghĩ về những vấn đề hóc búa của thời đại chúng ta.

Yayoi Kusama đã bao phủ các đồ vật bằng những vật mềm tua tủa như dương vật. Tác phẩm của bà gây ra cảm giác ghê sợ lẫn gợi nên những liên tưởng về sự biến dạng và xóa bỏ của danh tính.

Darkness (DHT181202), Do Hoang Tuong, 2018. Nguồn: Artsy 

Hiếu Y

Bài viết liên quan

Chúng ta cũng nên thử đặt câu hỏi “tác phẩm này làm bằng gì?”. Bởi thực tế quá trình sáng tác là khi Nghệ sĩ làm việc trực tiếp với vật liệu để làm ra tác phẩm, nên việc lựa chọn vật liệu có một hiệu quả mật thiết với quá trình sáng tạo.

Sắp đặt Hạt Hướng Dương có vị trí quan trọng trong tổng thể sáng tác đồ sộ của nghệ sĩ này và đặt trong mối quan hệ với các sáng tác khác, nó khơi gợi cho người xem nhiều chiêm nghiệm về các ẩn dụ mà Ai Wei Wei có thể đã lồng ghép trong tác phẩm của mình.