Thực và không thực - Những nỗ lực trình bày thực tại qua phim tài liệu nhân học

Trích từ phim "Letters from Panduranga" (2015) - Nguyễn Trinh Thi. Nguồn ảnh: nguyentrinhthi.wordpress.com

Chúng ta có thể trình bày thực tại như đúng chính nó hay không? Một câu chuyện được kể lại đã lập tức bị biến dạng, nó ngừng là thực tại và trở thành chuyện kể. Các nhà nhân học rơi vào sự khủng hoảng về trình hiện khi nhận thấy rằng bất kể họ cố gắng như thế nào, thứ họ trình bày vẫn là sự méo mó của sự thực, khúc xạ qua đôi mắt, thiên kiến văn hóa và những ưu tiên rất đỗi riêng tư của họ. Điểm qua lịch sử của những thể nghiệm trong việc làm phim nhân học có thể cho chúng ta thêm hình dung về những khuynh hướng tranh luận về thực tại.

Nhà nhân học Malinowski cùng với cư dân quần đảo Trobriands vào năm 1918. Malinowski là một trong những người tiên phong về phương pháp quan sát tham dự, trong đó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có mặt tại thực địa để dự phần vào các hoạt động của đời sống tại nơi nghiên cứu. Nguồn ảnh: Creative Commons

Nhân học ra đời vào cuối thế kỷ 19, cùng thời với sự xuất hiện của kỹ thuật nhiếp ảnh, tiếp sau đó là kỹ thuật ghi hình ảnh động. Chính vì thế mà các nhà nhân học từ thời kỳ đầu tiên đã sớm ứng dụng phim ảnh trong nghiên cứu của họ. Trong giai đoạn này, các nhà nhân học chủ yếu là người da trắng đi nghiên cứu các dân tộc bên ngoài phương Tây. Dữ liệu phim ảnh thời trong cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 về sau thường bị chỉ trích vì mối liên hệ với chính sách thực dân và phân biệt chủng tộc, khi các nhà nước thực dân tài trợ cho các dự án nhiếp ảnh để tìm hiểu dân cư và phục vụ cho các chính sách thống trị của họ. Tuy thế, những dữ liệu này là kho thông tin quý giá về những giai đoạn lịch sử của con người, có thể trở nên hữu ích khi người dùng gạn lọc các nhãn quan phân biệt bao quanh các phim ảnh này.

Nhà nhân học Margaret Mead với cư dân đảo Bali, Indonesia vào năm 1957.

Đối với nhà nhân học Margaret Mead, phim là một cách để chuyển tải phân tích đời sống văn hóa theo cách mà văn bản không làm được (Jenny Chio, 2021). Phim của bà thường được thuyết minh (voice-over) để cung cấp diễn giải cho người xem. Theo cách đó, chúng ta có một nhà làm phim “biết tuốt” hỗ trợ giải thích cho người xem những gì đang diễn ra trên khung hình. Thuyết minh bằng giọng nói là một cách hiệu quả để giúp người xem nắm bắt câu chuyện, nhưng mặt khác, nhà làm phim trở thành một quyền lực chi phối và áp đặt cái nhìn, tri thức và tư kiến của họ lên thực tại (Clifford, 1983).

Trái với tính độc quyền về diễn giải thường thấy trong phim của Mead và các nhà làm phim trong giai đoạn thập niên 1950-70, phim của Robert Gardner không có thuyết minh lẫn phụ đề. Phim của ông chỉ bao gồm khung cảnh thực và tiếng nói của nhân vật. Gardner muốn trả lại vai trò diễn dịch ý nghĩa cho người xem thay vì nói thay, nói về. Mặc dù vậy, các phân cảnh xuất hiện thường được biên tập cẩn thận theo sự lựa chọn của nhà làm phim (Chio, 2021).

Phương pháp làm phim của Gardner mở đường cho những thể nghiệm tiếp theo trong việc từ bỏ cách diễn giải của các thập niên 1950 và 1970. Một ví dụ trong số đó là phương pháp “observational cinema” (camera tham dự). Thay vì khuất dạng, lúc này nhà làm phim và camera đôi khi cũng xuất hiện trong một vài phân cảnh để nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta đang theo dõi một bộ phim - màn lọc sự thật. Khác với nhà nhân học “biết tuốt”, nhà làm phim giờ đây không còn giữ vai trò diễn giải mà trở thành một chủ thể trải nghiệm. Nhà nhân học không phải là một thẩm quyền tri thức để người xem tin vào, như chúng ta, chị ta cũng đang trải nghiệm các môi trường văn hóa xã hội cụ thể.

Phim Panduranga của Nguyễn Trinh Thi bày ra sự bối rối và đôi phần bất lực của nhà làm phim khi cố thấu hiểu một nền văn hóa khác mình. Cuộn phim không phải là một kết luận về nền văn hóa Chăm “là như thế này”, thay vào đó nó trình bày trăn trở của một ngoài cuộc cố gắng bước vào những trải nghiệm nằm ngoài cuộc sống thường nhật của mình.

Những thể nghiệm về phương pháp trong camera tham dự có thể được đặt trong một bối cảnh rộng hơn của nhân học từ sau thập niên 1970. Lúc này, các nhà lý thuyết Hậu hiện đại chất vấn quan niệm của thời kỳ hiện đại rằng nhà nhân học (hay nhà nghiên cứu nói chung, mà đa số là đàn ông da trắng) có khả năng vượt ra khỏi mọi tư kiến để nhìn xã hội một cách toàn diện, khách quan. Đối với các nhà nhân học Hậu hiện đại, cái hiện thực khách quan là một huyễn tưởng của tính hiện đại. Thay vì đi tìm sự thật tuyệt đối, họ thừa nhận rằng tri thức và sự thông hiểu của chúng ta là bất toàn. Các phương pháp viết ghi chép hay làm phim trong thời kỳ này nhấn mạnh tính bất toàn đó, trình bày cả những bối rối và căng thẳng của nhà nghiên cứu khi đối diện với sự hỗn loạn của thực tế. Nghiên cứu của Paul Rabinow (1977) "Reflections on Fieldwork in Morocco" (Phản hồi về điền dã ở Ma Rốc) thường được xem là một ví dụ điển hình cho lối viết thuộc dạng này, khi Rabinow trình bày những bối rối của ông khi tiếp cận với văn hóa Ma Rốc và cách ông giao tiếp với những người cung cấp thông tin (informant/interlocutor) trong một đối thoại liên văn hóa. (Xem thêm Robert Layton, 1997)

Thể nghiệm của “observational cinema” tiếp tục ảnh hưởng đến thực hành làm phim nhân học đương đại. Một trong những điểm nhấn là tính tự ý thức của nhà làm phim, trong đó sự xuất hiện hay vắng mặt của người làm phim đều được sắp xếp một cách có chủ đích nhằm tạo ra những khoảnh khắc có ý nghĩa và có tính bình luận (Chio, 2021). Những tác giả thể nghiệm như Chick Strand, Maya Deren, và Trinh T. Minh-ha đặt ra những thảo luận về mỹ học, uy quyền nhân học, quyền lực và tri thức.

Naked Spaces Living is Round. Trinh Thi Minh-ha

Một khuynh hướng nổi trội khác là làm phim cộng tác cùng cộng đồng. Như đã đề cập, chiếc máy ảnh vốn là một thứ quyền lực áp chế. Máy ảnh thuộc về người có ưu thế, người bị chụp là người yếu thế. Tri thức về đối tượng được ghi hình không thuộc về hay phục vụ cho chính họ, mà thuộc về người đứng sau ống kính - một người “biết tuốt” tha hồ diễn giải. Làm thế nào để tháo dỡ tình trạng bất công của việc ghi hình? Một số nhà nhân học đã nỗ lực trao trả camera về cho chủ thể (giving back the camera). Nhà làm phim thực hiện phim cùng với cộng đồng, cung cấp camera để cộng đồng tự quay lại những gì mà họ thấy quan trọng. Một số ví dụ điển hình là phim Through Navajo Eyes (Worth & Adair 1972) và The Kayapo Video Project (Turner 1992).

Sự thật nằm ở đâu, thuộc về ai, do ai phát ngôn? Lịch sử của phim tài liệu nhân học cho thấy những tranh luận về thực tại, về quyền đại diện và đề xướng nên những phương pháp trình hiện thực tại một cách khách quan. Liệu nhà làm phim có thể trở nên trong suốt và trình bày thực tại như đúng chính nó? Câu hỏi vẫn còn để mở…

Hiếu Y

Tham khảo:

Jenny Chio (2021). Visual Anthropology. University of Southern California

(1977). Margaret Mead and Gregory Bateson on the Use of the Camera in Anthropology. 4 (2), 78-80. Retrieved from https://repository.upenn.edu/svc/vol4/iss2/3

Clifford Geertz (1983). On Ethnographic Authority. University of California Press

Bài viết liên quan

Thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ Whiteread kích hoạt ý thức và cảm giác cho cơ thể con người qua việc trải nghiệm sâu sắc hơn về các khoảng trống trong lòng sự vật.

Sắp đặt Hạt Hướng Dương khơi gợi cho người xem nhiều chiêm nghiệm về các ẩn dụ mà Ai Wei Wei có thể đã lồng ghép trong tác phẩm của mình.